Cần dự báo nguồn nước khi xuống giống vụ Hè Thu tại Đồng bằng sông Cửu Long
Chiều 5/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức buổi báo thông tin về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thông tin tại buổi họp báo cho biết, việc vận hành gia tăng của thủy điện Trung Quốc đã có ảnh hưởng về đến Việt Nam vào khoảng 4/4/2016. Cụ thể, từ ngày 15/3, phía Trung Quốc đã thông báo với các nước liên quan lưu vực sông Mê Kông về phương án cấp nước khẩn cấp cho vùng hạ lưu thông qua thủy điện Cảnh Hồng với lưu lượng bình quân là 2.000 m3/giây. Từ 8 giờ ngày 15/3 đến nay, lượng nước chảy từ hồ chứa nước Cảnh Hồng thực tế đo được là 2.200 m3/giây, gấp từ 3-3,5 lần so với lưu lượng nước tự nhiên và tăng hơn so với phương án ban đầu là 10%. Bên cạnh đó, xả nước của các thủy điện dòng nhánh thuộc Lào về đến Việt Nam mất thời gian khoảng 8-10 ngày, được xem là nước về sẽ cùng với đợt từ Trung Quốc, hiện được xem là đã về đến Việt Nam như dự báo trước đó (4/4) và có hiệu quả đẩy mặn từ 7/4/2016 trở đi.
Theo Viện khoa học Thủy lợi miền Nam, trên sông Vàm Cỏ Tây, mặn vẫn biến động, duy trì ở mức cao, sau ngày 10-12/4 đến cuối tháng 4/2016 mặn có khả năng giảm, phía trên Tân An có thể lấy nước, độ mặn thấp vào lúc triều thấp, chân triều. Trên sông Vàm Cỏ Đông, tại Bến Lức khó có ngọt cho đến hết tháng 4. Phía trên Bến Lức từ 15-20km có thể xuất hiện nước ngọt cùng kỳ với Tân An. Tình hình sẽ được cải thiện nếu có nguồn xả từ Hồ Dầu Tiếng.
Vùng cửa sông Cửu Long, từ 4-9/4 đến khoảng 10-12/4, mặn tiếp tục biến động nhẹ, nhưng không sâu, phạm vi cách biển từ 35-45km có thể lấy nước ngọt khi triều thấp, chân triều, đặc biệt là trên sông Cổ Chiên và sông Hậu. Từ 10-12/4 đến cuối tháng 4, mặn giảm nhanh, phạm vi cách biển từ 25-40km có xuất hiện nước ngọt khá dồi dào, nhất là khi triều thấp, chân triều. Sau đó, mặn có khả năng biến đổi phức tạp và có khả năng mạnh lên trong tháng 5.
Như vậy, trong tháng 4, khi các tỉnh ven sông Cửu Long trong phạm vi cách biển từ 25-40km sẽ có nước ngọt khi triều thấp, chân triều. Để tận dụng nguồn nước ngọt này, các địa phương cần tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt (để dùng cho cả thời kỳ sau đó đến tháng 6,7). Trong đó, đặc biệt chú ý mở các cống, bơm khi nước ngọt xuất hiện. Khi thực hiện việc lấy nước cần kiểm tra độ mặn của nguồn nước.
Tại buổi họp báo, thông tin về các giải pháp triển khai ứng phó với hạn, mặn ở ĐBSCL, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, công tác cần quan tâm hiện nay là tiếp tục theo dõi, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, tăng cường giám sát dự báo nguồn nước để có các giải pháp ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội các vùng về thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, các vùng sản xuất công nghiệp, thủy sản phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi, thủy sản; khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Thêm vào đó, bằng mọi biện pháp cần đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, đặc biệt công trình mang tính chất kiểm soát ngăn mặn liên vùng, đồng thời cần nghiên cứu những nơi có thể xây dựng hồ chứa cho vùng.
Bên cạnh đó, về lịch xuống giống vụ Hè Thu, theo Cục Trồng trọt, dự báo các tỉnh ĐBSCL hạn hán có thể kéo dài đến tháng 6, dự kiến sẽ có khoảng 500.000ha lúa không được xuống giống đúng thời vụ. Hiện, Cục đã chỉ đạo xuống giống khoảng 350.000ha, trong đó, thời vụ gieo cấy trọng tâm từ tháng 4 đến đầu tháng 5. Bởi vậy, thời điểm này, công tác dự báo xâm nhập mặn rất quan trọng, cần được quan tâm kịp thời.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()