Cần đồng bộ nhiều giải pháp
LSO-Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng thiếu protein, năng lượng và các chất vi lượng cần thiết. Trẻ em bị SDD sẽ giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nghiêm trọng, đồng thời ảnh hưởng xấu và lâu dài đến sự phát triển của trẻ cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ...
Cán bộ Trạm y tế phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho trẻ uống Vitamin A – Ảnh: TRẦN KIM |
Trong những năm qua, công tác phòng chống SDD trẻ em (PCSDDTE) ở Lạng Sơn đã đạt được những kết quả đáng kể như: tỷ lệ trẻ em SDD đã giảm từ 35,9% năm 2001 xuống còn 21,6% năm 2010 và xuống 18,7% năm 2015. Mặc dù vậy, ở các xã vùng sâu, vùng cao, tỷ lệ SDDTE vẫn còn ở mức cao; công tác PCSDDTE gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực; công tác truyền thông và tổ chức thực hiện chương trình chưa hiệu quả…
Từ tháng 9/2015 đến tháng 9/2016, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh đã khảo sát việc thực hiện PCSDDTE tại các xã Châu Sơn và Bắc Lãng của huyện Đình Lập; Tân Văn và Thiện Thuật của huyện Bình Gia. Đây là 2 huyện nghèo của tỉnh thuộc chương trình 30a. Kết quả cho thấy, từ năm 2010 đến nay, tại 2 huyện, công tác truyền thông về PCSDDTE được chú trọng thực hiện, trong đó nhiều nhất là hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ, truyền thông theo nhóm, tư vấn cho các bà mẹ và thăm hộ gia đình. 100% trẻ từ 2 – 5 tuổi SDD đều được theo dõi cân nặng hằng tháng. Chương trình PCSDDTE được thực hiện lồng ghép với chương trình làm mẹ an toàn với 90 – 99% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván; 92-95% phụ nữ mang thai tăng cân hợp lý trong thời gian mang thai; tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2.500 gam ở mức thấp (5,6%).
Với việc truyền thông PCSDDTE được tiến hành rộng khắp; công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ được chú trọng nên 2 huyện đã giảm rõ rệt tỷ lệ trẻ em SDD thể nhẹ cân. Cụ thể như Bình Gia, đến hết năm 2015 chỉ còn 15,13%, Đình Lập còn 20,98%. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em SDD thể thấp còi ở cả 2 huyện còn ở mức cao, từ 20-21%.
Qua nghiên cứu cho thấy, một trong những khó khăn ảnh hưởng đến kết quả PCSDDTE ở 2 huyện này trước hết là nguồn lực. Trong 77 cán bộ y tế xã của các xã được khảo sát thì trên 60% có trình độ trung cấp; chỉ có 22,1% là bác sỹ đa khoa. Đối với y tế thôn bản, trong 332 nhân viên vẫn còn 5,8% chưa qua bất kỳ khóa đào tạo nào. Điều này phần nào khiến họ chưa đạt yêu cầu về kỹ năng thực hiện PCSDDTE. Chẳng hạn có đến 33,7% nhân viên y tế thôn bản không đạt yêu cầu về kỹ năng tư vấn trong khi đây lại là kỹ năng quan trọng để góp phần nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi hành vi của người dân về dinh dưỡng nói chung và PCSDDTE nói riêng. Cùng với nhân lực là khó khăn về kinh phí. Mặc dù là 2 huyện nghèo của tỉnh song thời gian qua, 100% kinh phí phục vụ triển khai chương trình PCSDDTE do trung ương cấp; không có hỗ trợ của địa phương. Không chỉ vậy, từ năm 2014, kinh phí cho chương trình bị cắt 75% so với trước nên nhiều hoạt động không có kinh phí để triển khai.
Thiết nghĩ, để cải thiện tình trạng SDDTE ở địa bàn khó khăn nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung, điều cần thiết là tuyến huyện, xã tăng cường truyền thông về PCSDDTE; tăng cường tập huấn về dinh dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCSDDTE, nhất là kỹ năng tư vấn cho cộng tác viên dinh dưỡng. Sở Y tế, các đơn vị trong ngành cần quan tâm bổ sung bác sỹ, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về dinh dưỡng ở vị trí cán bộ chuyên trách. Cùng với đó, tỉnh cũng cần quan tâm đầu tư thêm kinh phí để chương trình được triển khai hiệu quả, góp phần phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương.
ĐINH THỊ HOA
Ý kiến ()