Cần đồng bộ hơn
LSO-Là tỉnh biên giới có nhiều cửa khẩu, Lạng Sơn có hệ thống dịch vụ vận tải, trong đó vận tải hành khách khá đa dạng so với nhiều tuyến đi và đến các địa phương khác trong cả nước. Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, chủ trương xã hội hóa được các cấp, ngành triển khai khá hiệu quả. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện các dự án.
Xe chạy tuyến cố định vào Bến xe phía Bắc đón trả khách |
Xã hội hóa đầu tư
Đầu tháng 10/2017, Bến xe phía Nam thành phố Lạng Sơn khánh thành. Ông Nguyễn Thành Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn – chủ đầu tư cho biết: Dự án Bến xe phía Nam thành phố Lạng Sơn nằm ở Km 22 460 quốc lộ 1A, thuộc địa bàn thôn Nà Soong, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc. Qua mời gọi của thành phố, công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng bến xe với tổng mức đầu tư 107,100 tỷ đồng; diện tích 38.482 m2, quy mô bến xe loại I, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách ngày càng cao của xã hội.
Tháng 12/2017, Bến xe khách huyện Hữu Lũng chính thức đi vào hoạt động. Bến xe được Công ty TNHH Thùy Linh (doanh nghiệp trên địa bàn huyện) đầu tư với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, trên diện tích hơn 2.000 m2. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Bến xe Hữu Lũng cũ nằm ngay cạnh chợ trung tâm thị trấn, có mật độ dân cư đi lại đông đúc, đường vào bến xe chật hẹp nên phần lớn các xe khách không vào đón khách mà chỉ vào bến để xác nhận lệnh vận chuyển (chủ yếu đón khách ngoài quốc lộ 1A), do đó, hiệu quả khai thác của bến không cao. Việc doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng bến xe ở vị trí mới hiện nay sẽ đáp ứng được sự cân bằng của một bến xe như: vị trí nằm ở nút trung tâm tại khu vực giao thông quốc lộ 1A cũ và 1A mới, đồng thời kết hợp với một số tuyến đường đi các địa phương khác.
Ngoài 2 bến xe trên, trước đó, Bến xe Tân Thanh (khu vực cửa khẩu Tân Thanh) cũng đã được doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng. Tìm hiểu được biết, hiện Bến xe thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cũng đã có doanh nghiệp mua lại, thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng. Cùng đó, dự án Bến xe khách Thất Khê, huyện Tràng Định vừa qua cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt cho phép đầu tư (dự án này cũng do doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn đầu tư). Bến xe khách Lộc Bình cũng vậy, mặc dù còn vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, nhưng hiện cũng đã có doanh nghiệp đầu tư và sẽ tiến hành xây dựng khi có mặt bằng sạch.
Còn nhiều khó khăn
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có 9 bến xe khách gồm: Bến xe phía Bắc (thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc), Bến xe phía Nam (xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc), Bến xe thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc), Bến xe Tân Thanh (xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng), Bến xe Bắc Sơn (thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn), Bến xe Pắc Khuông (xã Thiện Thuận, huyện Bình Gia), Bến xe Đình Lập (thị trấn Đình Lập, huyện Đình Lập), Bến xe Hữu Lũng (thị trấn Hữu Lũng, huyện Hữu Lũng), Bến xe Thất Khê (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định). Tất cả các bến xe này hầu hết đều đã có doanh nghiệp chủ động xin đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Vàng – chủ doanh nghiệp đầu tư Bến xe phía Bắc cho biết: Theo quy hoạch từ năm 2005, thành phố Lạng Sơn sẽ xây dựng 3 bến xe: Bến xe phía Bắc, Bến xe phía Đông và Bến xe phía Nam. Ngay sau khi có chủ trương đầu tư, doanh nghiệp đã mạnh dạn lựa chọn vị trí hiện tại, đồng thời xin cấp phép đầu tư. Sau một thời gian, đến năm 2007, bến xe chính thức đi vào hoạt động. Hiện bến xe có diện tích 25.000 m2, đủ tiêu chuẩn bến xe loại II do Bộ Giao thông Vận tải quy định.
Mặc dù được quy hoạch nâng tầm thành bến xe loại I, nhưng mặc dù mới đầu tư xây dựng, nhưng Bến xe phía Nam hiện cũng mới chỉ đạt bến xe khách loại III. Nguyên nhân chính cũng là do công tác giải phóng mặt bằng chậm, đồng thời quỹ đất hạn chế khiến việc mở rộng quy mô bến xe không thể thực hiện. Ông Nguyễn Thành Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty Cổ phần Vận tải ô tô số 2 Lạng Sơn cho biết: Hiện bến xe mới chỉ đạt tiêu chuẩn loại III, nguyên nhân do số luồng tuyến vận tải hành khách nội tỉnh chưa có đủ theo quy định, đồng thời công tác giải phóng mặt bằng còn chậm nên chưa thể hoàn thiện hạ tầng còn lại của dự án…
Cũng trong tình trạng này, hiện bến xe khách Lộc Bình mặc dù đã có doanh nghiệp đầu tư và được phê duyệt chủ trương, nhưng do gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng nên bến xe vẫn chưa được xây dựng.
Ông Đào Tuấn Anh, Phó Trưởng Phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải cho biết: Cái khó và vướng nhất là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng bến xe khách đã được giải quyết, vấn đề còn lại là cần tạo mặt bằng sạch để doanh nghiệp xây dựng. Ngoài ra, một khó khăn khác phát sinh là các bến xe khách xây dựng tại các huyện hiện cũng chưa chú trọng đến các hạng mục về cây xanh, đảm bảo vệ sinh môi trường và hệ thống các dịch vụ kèm theo. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của bến xe sau này.
Quỹ đất hạn chế, công tác giải phóng mặt bằng chậm… khiến các bến xe khách chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của hành khách. Qua trao đổi, các chủ doanh nghiệp hầu hết đều cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô của bến xe, nhưng việc đầu tư còn mang nặng tư duy đầu tư manh mún sẽ khiến mục tiêu thiết lập mạng lưới vận tải hành khách đồng bộ, khép kín của tỉnh vào thời điểm này chưa thể thực hiện.
TRÍ DŨNG – ANH DŨNG
Ý kiến ()