Cần đồng bộ chính sách cho sản xuất thức ăn chăn nuôi
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng quá cao, ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất của nông dân, nhất là trong bối cảnh giá gia cầm, giá lợn hơi đang giảm.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi |
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã có những trao đổi xung quanh câu chuyện này.
Theo ông những nguyên nhân nào khiến giá TACN tăng cao như hiện nay?
Ông Tống Xuân Chinh:Trong thời gian vừa qua, giá nguyên liệu TACN tăng cao dẫn đến giá thức ăn thành phẩm cũng tăng do những nguyên nhân chính sau: Dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn,, nhất là các nguyên liệu chính như ngô, khô dầu đỗ tương, lúa mỳ…
Cụ thể, chi phí sản xuất tăng cao, thiếu nguồn lao động tham gia để sản xuất… dẫn đến sản lượng sụt giảm. Cùng với đó, chi phí logistic tăng cao do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng TACN (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường).
Một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang đầu cơ nông sản làm đẩy giá một số mặt hàng ngũ cốc lên cao; Trung Quốc tăng thu mua ngũ cốc phục vụ sản xuất chăn nuôi trong nước sau thời gian dài ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Tình hình hạn hán từ tháng 3/2021 tại một số tỉnh của Brazil làm ảnh hưởng đến sản lượng của vụ ngô chính vụ tại nước này. Thêm vào đó, nhu cầu dùng cồn ethanol để sản xuất xăng sinh học của Mỹ và các nước trong khu vực tăng cao (Mỹ quy định cồn ethanol trong nhiên liệu xăng tối thiếu là 10% và đang hướng tới 15%, năm 2020 Mỹ dùng 35% sản lượng ngô cho sản xuất ethanol), do đó lượng ngô sản xuất cồn ethanol ngày càng tăng cao càng làm thiếu hụt nguồn ngô làm thức ăn chăn nuôi.
Thực tế, Việt Nam phải chi 6 tỷ USD để nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (ngô, đậu tương), sự phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến chúng ta khó kiểm soát giá. Điều này có phải là nghịch lý khi Việt Nam là một nước nông nghiệp nhưng vẫn nhập ngô, đậu tương với lượng lớn, thưa ông?
Ông Tống Xuân Chinh:Ngành thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đang vận hành theo cơ chế thị trường, bị tác động của quy luật cung-cầu, quy luật giá trị trong nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế rất sâu, rộng ở nước ta khi tham gia 16 hiệp định tự do thương mại, trong đó có 2 hiệp định tự do thế hệ mới là CPTTP và RCEP.
Nước ta là một nước nông nghiệp nhưng vẫn phải nhập ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương… là chuyện kinh doanh bình thường ở góc độ quốc tế. Miễn là việc xuất khẩu, nhập khẩu này mang lại giá trị gia tăng, đặc biệt là thông qua quá trình chế biến sâu ứng dụng công nghệ cao. Mỹ là nước sản xuất sữa lớn thứ 3 thế giới nhưng vẫn nhập khẩu sữa của Canada về chế biến sâu để xuất khẩu.
Lấy ngô làm mặt hàng điển hình. Năm 2020, nước ta nhập khẩu tổng số gần 10 triệu tấn cho cả chăn nuôi và thủy sản, trong khi trong nước chỉ sản xuất được 3 triệu tấn dành làm thức ăn chăn nuôi. Nước Mỹ có tổng diện tích thu hoạch ngô năm 2020 là 201 triệu ha, đạt tổng sản lượng là 346 triệu tấn với năng suất bình quân là 10,7 tấn/ha/năm, trong khi cả nước ta mới có 942.000 ha, với năng suất bình quân là 4,8 tấn/ha/năm, đạt tổng sản lượng 4,56 triệu tấn. Từ số liệu này cho thấy ngô của Việt Nam không thể cạnh tranh với ngô nhập khẩu cả về giá, chất lượng và sản lượng để sử dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản.
Trong dự thảo Đề án phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi có đề cập một thực tế, chúng ta vẫn lãng phí nguồn phụ phẩm nông nghiệp rất lớn. Theo ông, chúng ta cần tận dụng nguồn lợi này như thế nào?
Ông Tống Xuân Chinh:Nước ta không có đồng cỏ tự nhiên mênh mông như các khu vực ở Bắc Mỹ, Australia, New Zealand hay châu Âu. Nhưng bù lại diện tích trồng cỏ còn hạn chế, nước ta có tiềm năng lớn về phụ phẩm nông, công nghiệp để chế biến TACN.
Theo các định mức kinh tế, kỹ thuật của Dự án điều tra sinh khối nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới năm 2018 và số liệu thống kê năm 2020, cả nước có khoảng trên 66 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp và 23,5 triệu tấn phụ phẩm chế biến nông sản có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Trong phụ phẩm nông nghiệp thì rơm lúa chiếm tới 65% (tương đương 43 triệu tấn). Đây là nguồn thức ăn thô giá rẻ cho gia súc ăn cỏ, có thể dự trữ ở dạng rơm phơi khô, phơi khô đóng bánh…
Tuy nhiên, theo số liệu điều tra của Ngân hàng Thế giới, tỉ lệ phụ phẩm nông nghiệp, chế biến nông sản sử dụng trong thực tế chỉ đạt 52% cho chăn nuôi (cho ăn, làm độn chuồng, đệm lót sinh học), còn lại là trồng nấm, đun, chế biến làm than đun… Đây là tiềm năng lớn cho ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ nếu áp dụng công nghệ tiến tiến trong thu gom, bảo quản và chế biến các phụ phẩm nông nghiệp này làm thức ăn chăn nuôi. Đây là bước đột phá ở lĩnh vực thức ăn chăn nuôi cho gia súc ăn cỏ khi áp dụng công nghệ cao để chế biến thức ăn TMR, FTMR làm thức ăn cho bò sữa, bò thịt, dê, thỏ ở Việt Nam trong giai đoạn tới, phù hợp với định hướng trong Chiến lược phát triển chăn nuôi gia đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020.
Theo ông cần có những giải pháp gì để phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu?
Ông Tống Xuân Chinh:Để phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, cần áp dụng triệt để, hiệu quả các giải pháp chính: Chính quyền địa phương cần mở rộng diện tích trồng cỏ, cây TACN trong nước, như ngô sinh khối (là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi) làm TACN cho gia súc ăn cỏ.
Đặc biệt cần ưu tiên chuyển đổi nhanh diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả và phần lớn diện tích cây vụ đông ở miền Bắc, miền Trung sang trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ; khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, thỏ gắn với trồng, chế biến cỏ, phụ phẩm công, nông nghiệp làm thức ăn; điều chỉnh cơ cấu các loại vật nuôi hợp lý, giảm tương đối các loại vật nuôi sử dụng nhiều ngũ cốc, như lợn và gia cầm.
Các doanh nghiệp sản xuất TACN và người chăn nuôi trong nước tăng cường các giải pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu TACN. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại chỗ, trong nước giảm thiểu thấp nhất phụ thuộc nhập khẩu.
Cùng với đó, người chăn nuôi tăng cường nhận chuyển giao, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi và tham gia các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi để thu hẹp các khâu trung gian nhằm giảm giá thức ăn chăn nuôi khi đến tay người chăn nuôi. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là giải quyết các thủ tục hành chính để doanh nghiệp nhập khẩu nhập đủ nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá cả cạnh tranh.
Quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn, công nghiệp, ứng dụng công nghiệp cao, khép kín chuỗi giá trị sản phẩm chăn nuôi, liên kết sản xuất theo cả chiều ngang và chiều dọc để tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển, bao bì, chi phí trung gian trong khâu phân phối thức ăn chăn nuôi.
Xin trân trọng cảm ơn những thông tin của ông!
Ý kiến ()