Cần đổi mới tư duy
LSO-Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp chính là ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Muốn đẩy nhanh tiến trình này cần có sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm của cả người chuyển giao lẫn người tiếp nhận.
Ứng dụng kỹ thuật trồng dưa chuột Nhật mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng |
Na Chi Lăng đã có thời kỳ bị thoái hóa. Cây cứ ngày một vươn cao, còi cọc, đậu quả ít và quả nhỏ, năng suất thấp. Trong bối cảnh đó nhiều người dân vùng na đã cất công học hỏi kinh nghiệm từ những nơi xa, mặt khác Sở Khoa học và Công nghệ cũng vào cuộc để tìm hiểu, nghiên cứu và đưa ra những quy trình chuẩn để khuyến cáo. Kết quả là từ những kỹ thuật như tỉa cành, thụ phấn nhân tạo… trong khoảng 10 năm trở lại đây năng suất na Chi Lăng tăng rất nhanh, tỷ lệ đậu quả nhiều to hơn, đồng đều hơn. Anh Phan Giang, Trưởng thôn Quán Bầu (một trong những thôn trồng nhiều na của xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) phấn khởi: hiệu quả từ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là thấy rõ, trước đó nhiều người còn e ngại về việc tỉa cây, bảo thủ canh tác theo kinh nghiệm, nhưng với hiệu quả trông thấy, người dân đã áp dụng triệt để kỹ thuật mới. Hiện nay ngoài các kỹ thuật được hướng dẫn, người trồng na còn mạnh dạn tìm tòi, áp dụng mật độ trồng hợp lý, đưa cây na xuống ruộng và trồng na an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.
Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho thấy hiệu quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thế nhưng không phải nơi nào cũng được như ở vùng na. Cách đây gần 5 năm, tôi có dịp đi công tác cùng các cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hữu Lũng và đã chứng kiến câu chuyện về tính bảo thủ. Số là thời điểm đó đang trong giai đoạn phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, cán bộ chuyên môn xuống tận ruộng hướng dẫn người dân cách pha thuốc, nhưng một số bà con nói như quát, đại ý: số năm kinh nghiệm trồng lúa của tôi còn nhiều hơn tuổi các anh, cái việc pha thuốc thì có gì phải dạy. Kết quả của việc bảo thủ theo kinh nghiệm là pha thuốc sai nồng độ, mà chủ yếu là tăng nồng độ lên để sâu… mau chết. Bởi thế có gia đình phun tới 9 đợt thuốc trừ sâu trong một vụ lúa mà ruộng vẫn xác xơ.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: cho đến tận bây giờ tính bảo thủ theo kinh nghiệm vẫn còn hiện hữu. Vừa qua, thực hiện mô hình liên kết sản xuất với Công ty GOC, Hữu Lũng triển khai mô hình trồng muồng trâu xen dưa gang. Dự kiến hiệu quả kinh tế sẽ đạt tới trên 6 triệu đồng/sào/vụ. Thực tế triển khai, những hộ gia đình thực hiện theo đúng quy trình hướng dẫn đã đạt hiệu quả gần sát với con số lý thuyết. Thế nhưng cũng nhiều gia đình đạt hiệu quả thấp. Qua kiểm tra thì nguyên nhân là do một số hộ quá dựa vào kinh nghiệm, không tuân thủ theo quy trình kỹ thuật, trồng mật độ dày, bón phân ít và trồng muộn vụ. Câu chuyện này không chỉ riêng ở Hữu Lũng mà xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Tại hội nghị tổng kết sản xuất đông xuân 2013-2014 vừa qua, khi nghe năng suất cây lạc trên địa bàn tỉnh chỉ ở mức hơn 1 tấn/ha, đại diện Công ty Giống cây trồng Trung ương đã rất ngạc nhiên: năng suất lạc ở một số vùng giờ đã đạt trên 3 tấn/ha, thậm chí nhiều nơi 5 tấn/ha rồi, năng suất ở Lạng Sơn như thế thì thấp quá. Nguyên nhân được chỉ ra là đa phần vẫn bảo thủ gieo trồng giống cũ và theo canh tác phương thức cũ.
Cũng tại hội nghị này, Tiến sĩ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã dẫn chứng ra rất nhiều mô hình áp dụng thành công khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao. Nhưng đồng thời cũng chỉ ra quy mô của các mô hình đó còn nhỏ và khó trong việc nhân rộng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có tư duy bảo thủ, ngại đổi mới của nhà nông. Thế nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho nhà nông. Thực tế cho thấy cách làm mô hình, chuyển giao kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn cũng cần phải có sự đổi mới. Trong rất nhiều cuộc họp, khi bàn về ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh luôn nhấn mạnh tới vai trò của các đơn vị chuyển giao. Trong đó chỉ ra cách xây dựng mô hình hiện nay là quá manh mún, không rõ nét và mang tính chất thời vụ, nay chỗ này, mai chỗ khác. Hay nói cách khác là người nông dân chưa kịp nhận ra sự khác biệt của việc ứng dụng tiến bộ thì mô hình đã chuyển tới nơi khác.
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là chìa khóa để triển khai thành công đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, muốn đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ thì cần phải đổi mới tư duy. Tất nhiên là sự đổi mới ấy phải đến từ 2 phía, người chuyển giao và người tiếp nhận.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()