Cân đối cung cầu hàng hóa dịp Tết
Theo thông lệ, thời điểm cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu, thực phẩm sẽ tăng mạnh. Riêng thị trường Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dự kiến tăng khoảng 20%, trong đó nhu cầu thực phẩm có thể tăng tới 25% so những tháng khác trong năm.
Theo thông lệ, thời điểm cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu, thực phẩm sẽ tăng mạnh. Riêng thị trường Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dự kiến tăng khoảng 20%, trong đó nhu cầu thực phẩm có thể tăng tới 25% so những tháng khác trong năm.
Các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị ở Hà Nội đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa các loại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh cũng dự trữ lượng hàng tới hơn 7.500 tỷ đồng. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã dự báo tình hình thị trường Tết sẽ ổn định, cân đối cung cầu, những hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, nguồn cung dồi dào…, tuy nhiên, cần lưu ý nguồn cung một số mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, thủy hải sản, rau củ quả cho một số thành phố lớn, đông dân cư. Hơn nữa, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, bão lũ hoành hành gây thiệt hại lớn ở các tỉnh miền trung, đã ảnh hưởng lớn sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng hóa.
Ðể bảo đảm phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Giáp Ngọ 2014, góp phần thiết thực kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, các bộ, ngành, địa phương khẩn trương tập trung theo dõi, nắm chắc tình hình thị trường; dự báo, đánh giá sát nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán để có kế hoạch cân đối. Ðồng thời, căn cứ tình hình, điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách của địa phương để chủ động tổ chức thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả. Bám sát diễn biến giá cả trên địa bàn để kịp thời xử lý trường hợp “sốt” cục bộ về giá. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh những hàng hóa thiết yếu cần rà soát, đánh giá cung cầu, bảo đảm tiến độ sản xuất, nhập khẩu, nhằm ổn định nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cho thị trường; cam kết giữ giá ổn định trước, trong và sau Tết, mở rộng các điểm bán hàng bình ổn giá đến các vùng nông thôn, ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp – khu chế xuất. Tích cực đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra cần tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, nhất là bảo đảm việc niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết đối với những mặt hàng đăng ký giá; ngăn ngừa mọi hành vi đầu cơ, găm hàng, tạo “sốt” giá; xử lý nghiêm tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bởi gần Tết là thời điểm các đối tượng làm ăn phi pháp gia tăng hoạt động với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Chú trọng việc bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Các địa phương phía bắc cần tăng cường lực lượng, phối hợp liên ngành kiểm soát chặt, không để tình trạng gia cầm, trứng và sản phẩm gia cầm, nội tạng nhập lậu từ biên giới vào sâu nội địa.
Các bộ, ngành, nhất là công thương, tài chính cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế phù hợp để doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, chủ động dự trữ lượng hàng hóa nhằm bảo đảm nguồn cung ổn định cho thị trường những dịp cao điểm. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ để tái đàn và tăng quy mô chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phòng, chống thiên tai, giá rét để tránh xảy ra đột biến, ảnh hưởng đến nguồn cung. Mặt khác tiếp tục chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ, đưa các công trình, nhà máy, cơ sở sản xuất sớm đi vào hoạt động để tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()