Cân đối chứng: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
(LSO) – Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ năm 2004 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng (CCTCĐLCL) tỉnh đã lắp đặt các điểm cân đối chứng. Các điểm cân này đã và đang góp phần quan trọng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Hằng, khối Trần Quang Khải 1, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Trước đây, chưa có cân đối chứng, khi cần kiểm tra về số cân, sau khi mua hàng, tôi phải cân nhờ ở một số cửa hàng trong chợ. Từ khi có cân đối chứng thì việc kiểm tra thuận tiện hơn rất nhiều. Tôi thấy cân đối chứng rất hiệu quả vì bên cạnh việc biết được trọng lượng hàng hóa mình mua đúng, đủ hay chưa thì khách hàng còn biết được những địa chỉ mua hàng tin cậy sau một vài lần kiểm chứng thực tế.
Cũng như bà Hằng, nhiều người tiêu dùng chủ động sử dụng cân đối chứng, nhất là sau khi mua hàng ở các xe bán hàng rong hay những quầy hàng không cố định.
Người tiêu dùng sử dụng cân đối chứng tại chợ Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn
Tìm hiểu thực tế tại một số chợ trên địa bàn tỉnh về sử dụng cân đối chứng, chúng tôi nhận thấy một điểm chung, đó là hiện số người sử dụng cân đối chứng giảm nhiều so với khi bắt đầu có cân đối chứng. Ông Vũ Mạnh Toán, thành viên Ban Quản lý chợ Đông Kinh cho biết: Từ năm 2005, chợ Đông Kinh được lắp đặt cân đối chứng. Thời điểm đó, tình trạng cân thiếu nhiều, nhất là xảy ra đối với khách du lịch nên khi mới có cân đối chứng, lượng người sử dụng cân nhiều, trung bình một ngày có từ 50 đến 70 người sử dụng cân. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra thường xuyên của các ban, ngành chức năng nên các quầy hàng kinh doanh ở chợ không còn tình trạng cân gian, cân thiếu. Hầu hết các tiểu thương đều ý thức được sự quan trọng của uy tín cũng như chất lượng hàng hóa mình cung cấp. Vì vậy, hiện lượng người sử dụng cân đối chứng tại chợ trung bình chỉ từ 20 – 25 người/ngày. Trong đó, hoa quả là mặt hàng chủ yếu được khách kiểm tra lại, nhất là khi mua tại các điểm bán hàng rong…
Bà Hoàng Thị Thơm, tiểu thương bán hàng tại quầy A17, chợ Giếng Vuông cho biết: Tôi bán cá ở chợ hơn 10 năm nay. Với quan điểm kinh doanh phải giữ uy tín hàng đầu nên tôi không bao giờ cân gian, cân thiếu cho khách. Chính vì vậy, từ khi bán hàng đến nay, tôi chưa gặp tình huống khách trả lại hàng hay thắc mắc vì cân thiếu, kể cả khi khách đã đi cân đối chứng…
Từ năm 2004, Chi cục TCĐLCL tỉnh lắp đặt thí điểm một số điểm cân đối chứng tại các chợ trên địa bàn thành phố. Sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, nhận thấy hiệu quả thiết thực đối với người tiêu dùng, chi cục đã lắp đặt thêm tại các huyện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30 điểm cân đối chứng được đặt tại các trung tâm thương mại; các chợ thành phố, chợ đầu mối các huyện và một số xã của các huyện như: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Chi Lăng… Chỉ tính trong 8 tháng đầu năm 2018, đã có 9.778 mã cân đối chứng được người tiêu dùng trên toàn tỉnh sử dụng. Trong đó, số mã đúng là 9.612 mã, chiếm 98,3%; số mã sai là 166 mã, chiếm gần 1,7%.
Ông Trần Quốc Anh, Chi cục trưởng Chi cục TCĐLCL tỉnh cho biết: Trong những năm qua, Chi cục TCĐLCL thường xuyên phối hợp với ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại, đội quản lý thị trường các huyện kiểm tra về cân các loại tại các quầy hàng. Đồng thời, hằng năm, đơn vị duy trì việc kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo lường theo quy định ít nhất 1 lần/năm; đầu tư thiết bị phụ trợ phục vụ tốt công tác quản lý chất lượng đo lường; dành kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng cân đối chứng tại các điểm cân. Vì vậy, từ khi lắp đặt, các điểm cân đối chứng đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng sau khi mua bán, trao đổi hàng hóa…
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()