Cần đẩy nhanh tiến độ dự án kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng
(LSO) – Dự án kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng được triển khai từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, đến nay một số hạng mục đều thi công dở dang, nhất là dự án trong giai đoạn II và III. Đối với dự án này, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo: Phải hoàn thành trong năm 2019. Tuy vậy, để hoàn thành tất cả các hạng mục thì chủ đầu tư, các nhà thầu và cả chính quyền thành phố còn rất nhiều việc phải làm.
Năng lực nhà thầu yếu
Dự án kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng do liên danh Công ty TNHH Hải Linh, Công ty Cổ phần Xây dựng Thành An, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung trúng thầu thi công. Tuy vậy, sau một thời gian thi công, năm 2018, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung có văn bản xin dừng thi công dự án.
Đơn vị thi công bắt đầu xây kè đá một số đoạn dọc tuyến
Đến đầu năm 2019, Công ty TNHH Hải Linh thi công theo kiểu đối phó, lấy lệ. Theo ông Trần Quang Vinh, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) – Sở NN&PTNT cho biết: Hạng mục thi công bờ trái đoạn từ cầu Kỳ Cùng đến đền Trần thi công rất chậm, với tiến độ như hiện nay, hết năm 2019 cũng không thể xong đoạn kè này. Để đảm bảo tiến độ, Sở NN&PTNT đã kiến nghị với UBND tỉnh cho phép liên danh Công ty TNHH 888 Lạng Sơn và Công ty xây dựng Thiên Hà Thái Nguyên (hai đơn vị liên danh được chỉ định thầu bổ sung) thi công trên phạm vi mặt bằng do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Trung đảm nhận trước đó. Sau khi thi công xong phần việc được giao sẽ tiếp tục thi công phần của Công ty TNHH Hải Linh.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năng lực thi công của hai doanh nghiệp Thành Trung và Hải Linh yếu dẫn đến các nhà thầu không đảm bảo tiến độ thi công, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Tính đến hiện tại, khối lượng thực hiện của dự án (giai đoạn III) mới chỉ đạt khoảng 54,21% kế hoạch đề ra.
Giải phóng mặt bằng chậm
Thực tế, gói thầu kè đợt 3 (giai đoạn II) được triển khai thi công từ tháng 12/2014, tuy nhiên, đến hiện tại vẫn còn 2 hộ dân bị ảnh hưởng tại vị trí cọc C45 – C51 với chiều dài 80 m chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án.
Gói thầu kè đợt 4 (giai đoạn II) với chiều dài 1.000 m, nhưng đến nay cũng vướng hộ dân không chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng, vì thế cả tuyến kè bị mắc không thể thi công về phía thượng lưu của sông Kỳ Cùng. Vướng mắc này khiến gói thầu mặc dù triển khai thi công từ tháng 1/2017 nhưng đến thời điểm hiện tại mới chỉ thi công được 280 m chiều dài chân kè, khối lượng xây lắp chỉ đạt 14%.
Nhiều đoạn công tác thi công hầu như mới bắt đầu
Đó chỉ là 2 ví dụ điển hình trong vướng mắc về giải phóng mặt bằng mà chính quyền thành phố Lạng Sơn chưa giải quyết được. Ngoài ra, hiện cả khu vực trong dự án, từ bến xe chợ Đông Kinh đến chân cầu Đông Kinh chưa bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công. Bởi việc thi công kè bờ sông thì yếu tố cốt lõi để đảm bảo tiến độ toàn tuyến là phải có mặt bằng sạch.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Dự án kè bảo vệ bờ sông Kỳ Cùng được phê duyệt từ năm 2008 (tại Quyết định số 1544, ngày 7/8/2008 của UBND tỉnh). Dự án giai đoạn II được điều chỉnh lại vào năm 2016. Dự án giai đoạn III được phê duyệt năm 2010 (tại QĐ số 660/QĐ-UBND ngày 10/5/2010 và được điều chỉnh tại QĐ số 812/QĐ-UBND ngày 25/5/2011). Tổng chiều dài toàn tuyến (cả bờ trái và bờ phải) là hơn 13,4 nghìn mét.
Kể từ khi triển khai đến nay, theo tính toán của chủ đầu tư, mới chỉ đạt khoảng hơn 60% tổng khối lượng thi công xây lắp của toàn dự án. Do vậy, để có thể hoàn thành dự án vào cuối năm nay thì chủ đầu tư, các đơn vị thi công còn rất nhiều việc phải làm.
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, hiện sở đã kiến nghị với UBND tỉnh về tình hình một số nhà thầu có năng lực kém. Nếu nhà thầu không đảm bảo, sẽ thực hiện ngay việc chỉ định thầu bổ sung. Ngoài ra, sở cũng chỉ đạo các nhà thầu, ngay từ đầu tháng 4 này, cần tập trung cao độ về máy móc, nhân lực… để đẩy nhanh tiến độ thi công, thi công hạng mục nào hoàn thành hạng mục đấy.
Cùng với đó, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sự vào cuộc của chính quyền thành phố, phối hợp với các ngành chức năng trong việc tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, nhất là những vướng mắc về giải phóng mặt bằng cũng quyết định đến tiến độ các dự án.
Ngoài yếu tố về giải phóng mặt bằng, năng lực nhà thầu thì việc huy động, tập trung nguồn vốn cho dự án cũng cần được đặt ra. Bởi đối với dự án này, việc huy động vốn từ nguồn xã hội hóa là không thể. Do vậy, tỉnh cần ưu tiên vốn cho dự án trọng điểm này, từ đó tạo nguồn lực ổn định, thúc đẩy các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()