Cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông thôn
Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, bộ mặt nông thôn có bước đổi mới khá toàn diện. Cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Thời gian qua, cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, số lượng, tỷ trọng số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản ngày càng giảm, trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng. Về số lượng, theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê, năm 2011, số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản là 9,53 triệu hộ, giảm 248 nghìn hộ so với năm 2006. Số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và hộ dịch vụ đạt 5,13 triệu hộ, tăng 1,67 triệu hộ so với năm...
Sau hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới, bộ mặt nông thôn có bước đổi mới khá toàn diện. Cơ cấu ngành nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của dân cư ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện, xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả tích cực.
Thời gian qua, cơ cấu ngành nghề của hộ nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, số lượng, tỷ trọng số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản ngày càng giảm, trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ ngày càng tăng. Về số lượng, theo kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011 của Tổng cục Thống kê, năm 2011, số hộ hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản là 9,53 triệu hộ, giảm 248 nghìn hộ so với năm 2006. Số hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và hộ dịch vụ đạt 5,13 triệu hộ, tăng 1,67 triệu hộ so với năm 2006. Nếu xét về cơ cấu, năm 2011 tỷ trọng hộ nông lâm thuỷ sản năm 2011 giảm nhanh, chỉ còn 62,2% so với 71,1% so với năm 2006. Tính chung trong giai đoạn 2001-2011, số hộ nông lâm thuỷ sản cứ qua 5 năm lại giảm đi khoảng từ 9% đến 10%. Đáng chú ý, đến năm 2011 đã có 13/63 tỉnh, thành phố có tỷ trọng hộ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm trên 40% tổng số hộ nông thôn, trong khi năm 2006 con số này chỉ có ở 5/63 tỉnh, thành phố. Xét theo vùng, tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ nông lâm thuỷ sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ rõ nét nhất xảy ra ở vùng Đông Nam bộ và tiếp đó là đồng bằng Sông Hồng.
Nhiều đồng bào dân tộc của tỉnh Điện Biên đã trở thành công nhân của Công ty cổ phần Cao su Điện Biên (Ảnh: Đ.H) |
Do cơ cấu ngành nghề chuyển dịch tích cực và đúng hướng, đã dẫn tới cơ cấu lao động ở nông thôn cũng chuyển dịch nhanh. Năm 2011, cả nước có khoảng 32 triệu người trong độ tuổi có khả năng lao động ở khu vực nông thôn, trong đó 59,6% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, giảm mạnh so với mức 70,4% (năm 2006); 18,4% lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tăng khá nhanh so với mức 12,5% (năm 2006) và 20,5% là lao động dịch vụ (năm 2006, tỷ lệ này là 11,9%), còn lại là lao động ở các lĩnh vực khác.
Nhờ cơ cấu lao động dịch tích cực, nên trình độ chuyên môn của lao động nông thôn từng bước được nâng cao. Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và Chương trình đào tạo nghề cho nông dân. Với sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đào tạo nghề miễn phí, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động nông thôn đã nâng lên. Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên năm 2011 chiếm tỷ lệ 11,2% (năm 2006 đạt 8,2%). Trong đó trình độ trung cấp lần lượt ở các năm 2011, 2006 là 4,3%, 3%; trình độ đại học là 2,2%, 1,1%.
Chuyển dịch tích cực của cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động cũng như trình độ của người lao động nông thôn được nâng cao, nên thu nhập và tích luỹ của hộ nông thôn ngày càng tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tại thời điểm 01/7/2011, vốn tích luỹ bình quân 1 hộ nông thôn đạt 17,4 triệu đồng, gấp 2,6 lần so với 01/7/2006. Nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì vốn tích lũy bình quân 1 hộ nông thôn năm 2011 tăng khoảng 41% so với năm 2006 – cao hơn so với mức tăng trưởng kinh tế nước ta trong thời kỳ 2006-2011 (gần 40%).
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn cũng còn những tồn tại cần sớm khắc phục, đó là: Kết quả đạt được về chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn năm 2011 tuy có tiến bộ so với năm 2006 nhưng vẫn còn chậm và có khoảng cách xa so với yêu cầu. Trong 10 năm từ 2001-2011, tỷ trọng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản mới giảm được 20%, từ khoảng 80% năm 2001 xuống khoảng 60% vào năm 2011, bình quân mỗi năm giảm được 2%. Trong tổng số người trong độ tuổi lao động có tham gia hoạt động nông nghiệp thì lao động chuyên nông nghiệp (thuần nông) chiếm tỷ lệ lớn, tới 46%; lao động nông nghiệp kiêm ngành nghề khác chiếm 32,1% và lao động phi nông nghiệp có hoạt động phụ nông nghiệp chiếm 21,9%…. Mặt khác, mặc dù đã đạt được những tiến bộ so với các năm trước nhưng trình độ chuyên môn của lao động nông thôn vẫn còn rất thấp trước yêu cầu sản xuất hàng hoá trong nền kinh tế thị trường. Điều này dẫn đến khả năng chuyển đổi ngành nghề từ khu vực nông lâm thuỷ sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ còn chậm và không đều giữa các vùng, các địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Lao động nông thôn dư thừa nhiều nhưng còn ít lao động chuyển đổi sang công nghiệp và dịch vụ. Tuy tích luỹ của người lao động và các hộ tăng cao, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các vùng và nhóm hộ. Vùng Đông Nam bộ có mức tích lũy cao nhất, đạt 23,6 triệu đồng/hộ, gấp 2,7 lần so với vùng trung du miền núi phía Bắc – chỉ đạt mức tích luỹ bình quân 8,7 triệu đồng/hộ. Mức tích lũy của hộ thương nghiệp gấp 5,8 lần của hộ diêm nghiệp, gấp 4,5 lần thu nhập của hộ lâm nghiệp và gấp gần 2,7 lần của hộ nông nghiệp… Điều này dẫn tới khó khăn trong việc phấn đấu thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa các ngành kinh tế.
Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nông thôn đáp ứng được yêu cầu mới, thời gian tới, cần tiếp tục ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Tăng cường đầu tư cho các công trình thuỷ lợi để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho các khu nông thôn, phát triển thuỷ lợi vừa và nhỏ, kênh mương nội đồng, đáp ứng yêu cầu của cây trồng vật nuôi. Phát triển kinh tế hộ bằng cách khuyến khích các hộ nông dân, các trang trại, các thành phần kinh tế tham gia, liên kết với nhau, hình thành các tổ chức, các hình thức hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh thu hút và hỗ trợ các gia đình còn khó khăn. Tăng cường công tác huy động vốn và sử dụng vốn. Xây dựng chính sách ưu tiên đầu tư như bảo hộ sản phẩm, mở rộng các hình thức huy động vốn như cổ phần hoá các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh,… nhằm tạo điều kiện cho người lao động, các tổ chức, các thành phần kinh tế góp vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng nhanh giá trị hàng hoá. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi tạo khâu đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hoá nông sản; Phát triển công nghiệp chế biến, cơ khí hoá nông nghiệp và điện khí hoá nông thôn. Phát triển thị trường tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản làm cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn có hiệu quả. Làm tốt công tác nghiên cứu dự báo thông tin thị trường cho nông dân và doanh nghiệp. Đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động nông thôn. Kiện toàn quy hoạch và cải cách đội ngũ cán bộ phục vụ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế trong khu vực nông thôn cần cụ thể hoá phát triển từng loại hình dịch vụ như dịch vụ nông nghiệp; dịch vụ thương mại; dịch vụ kỹ thuật…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()