Cần đầu tư mạnh mẽ và tương xứng hơn cho "tam nông"
Vấn đề “tam nông” cũng được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích trong ngày làm việc 1/11 với nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm đẩy nhanh tăng trưởng của khu vực nông thôn. Các đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An), Nguyễn Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đều bày tỏ quan điểm, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa đối với “tam nông” cho tương xứng với vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và hiện đại hóa nông nghiệp nói riêng.Theo đại biểu Vũ Quang Hải, đây là vấn đề mà nhiều cử tri và đại biểu gửi gắm đến diễn đàn Quốc hội, làm sao để đời sống bà con phải cải thiện tương xứng hơn nữa với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế. Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị nêu thực trạng là có hiện tượng người nông dân “chán” ruộng đất vì thu nhập quá thấp, việc làm đối với thanh niên nông thôn đang là bài...
Vấn đề “tam nông” cũng được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích trong ngày làm việc 1/11 với nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm đẩy nhanh tăng trưởng của khu vực nông thôn.
Các đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An), Nguyễn Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế), Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) đều bày tỏ quan điểm, Nhà nước cần đầu tư mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa đối với “tam nông” cho tương xứng với vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và hiện đại hóa nông nghiệp nói riêng.
Theo đại biểu Vũ Quang Hải, đây là vấn đề mà nhiều cử tri và đại biểu gửi gắm đến diễn đàn Quốc hội, làm sao để đời sống bà con phải cải thiện tương xứng hơn nữa với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị nêu thực trạng là có hiện tượng người nông dân “chán” ruộng đất vì thu nhập quá thấp, việc làm đối với thanh niên nông thôn đang là bài toán nan giải. Từ đó, đại biểu này cho rằng, vấn đề “tam nông” nổi lên 5 tồn tại, bất cập lớn, đó là tình trạng đất nông nghiệp manh mún, thị trường nông sản bấp bênh dẫn đến chuyện “nay trồng, mai chặt”, giá cả chưa ổn định để người nông dân thực sự có lãi, an toàn vệ sinh thực phẩm đang đặt cho nông nghiệp nước ta thách thức ngay trên sân nhà và biến đổi khí hậu gây hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh…
Từ đó, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi toàn diện chính sách đất đai trong nông nghiệp để sớm sửa đổi Luật Đất đai đang bộc lộ nhiều bất cập, tăng cường quản lý thị trường nông sản, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và có chính sách đồng bộ để khuyến khích có trách nhiệm đầu tư công nghệ cao vào lĩnh vực này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Nguyễn Đăng Vang phân tích thêm, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, đầu tư cho “tam nông” chưa tương xứng. Theo đại biểu này, đầu tư cho nông nghiệp còn ít so với đóng góp của nông nghiệp cho nền kinh tế quốc dân. Cụ thể, năm 2009 chỉ đầu tư 6,26% tổng đầu tư xã hội, trong khi ngành này chiếm 20,9% GDP, năm 2008 tỉ trọng này là 6,45%, năm 2005 là 7,5%…
Đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề cập đến việc đẩy mạnh dạy nghề cho nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm. “Cử tri đồng tình với việc tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, đại biểu Thu Hằng bày tỏ.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Thái Bình), Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ Vi Trọng Lễ đề cập tới mối liên kết “4 nhà” hiện nay trong việc thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước còn lỏng lẻo, cần xác định rõ trách nhiệm từng “nhà” đến đâu để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách này, đại biểu Vi Trọng Lễ cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương sớm hoàn thành việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, không sử dụng đất trồng lúa vào việc khác để người dân yên tâm sản xuất lâu dài và có điều kiện thâm canh, chuyên canh sâu.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến ()