Cần đầu tư lớn và đồng bộ
Lễ hội Ná Nhèm – lễ hội đặc sắc của bà con xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn |
Được nằm trong quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch quốc gia là cơ hội để du lịch Lạng Sơn phát triển. Cụ thể như Khu du lịch Mẫu Sơn, địa điểm du lịch này sẽ được ngành du lịch Việt Nam quảng bá. Qua đó hình ảnh khu du lịch mang thương hiệu riêng của Lạng Sơn cũng sẽ được công chúng biết đến. Điểm lợi thứ 2 chính là, khi nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia, Khu du lịch Mẫu Sơn còn được Nhà nước bổ sung nguồn vốn đầu tư (số vốn đầu tư vào Khu du lịch Mẫu Sơn là 200 triệu USD).
Nếu chỉ nhìn vào điều này thì du lịch của tỉnh sẽ phát triển mạnh trong một tương lai gần. Nhưng, trên thực tế, ngành du lịch tỉnh vẫn loay hoay “giải” bài toán thu hút đầu tư vào Khu du lịch Mẫu Sơn. Bà Bế Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: vừa qua, Sở VH-TT&DL đã trình đề án quy hoạch và chiến lược phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn lên UBND tỉnh. Theo đề án, tổng vốn đầu tư phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Đây là một con số rất lớn đối với địa phương còn nhiều khó khăn như Lạng Sơn. Nằm trong quy hoạch phát triển du lịch quốc gia là cơ hội tốt để đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch địa phương, tuy nhiên, Lạng Sơn cũng sẽ gặp một số khó khăn như phải điều chỉnh một số quy hoạch để hợp với chiến lược cấp quốc gia. Có thể thấy, hệ thống quy hoạch phát triển du lịch trên phạm vi cả nước là cơ sở định hướng quan trọng cho hoạt động du lịch cấp tỉnh, tất cả vẫn phụ thuộc chính vào tỉnh. Cụ thể, để phát triển Khu du lịch Mẫu Sơn, chúng ta cần một số vốn khổng lồ, trong khi đó, theo như dự tính thì nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách chỉ vào khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Để phát triển được Khu du lịch này thì tỉnh cần phải có cơ chế hợp lý, ưu đãi để kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào Mẫu Sơn.
Thực tế hiện nay, ngành du lịch tỉnh mới chỉ thành công một phần trong việc phát triển lĩnh vực du lịch mua sắm do chúng ta có ưu thế về cửa khẩu. Còn việc phát triển, quảng bá thương hiệu của Khu du lịch Mẫu Sơn và các khu du lịch khác, ngành du lịch tỉnh vẫn đang thực sự gặp khó khăn. Nguyên nhân chính là thiếu nguồn lực đầu tư. Vì vậy, việc quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch của Lạng Sơn cũng không đạt được như mong muốn. Ví dụ như việc quảng bá hình ảnh du lịch Lạng Sơn, thời gian qua, Sở VH-TT&DL tỉnh đã mở ra nhiều liên hoan du lịch, mở các hội thảo du lịch, các hội nghị liên kết du lịch với các tỉnh trong vùng… nhằm thu hút khách du lịch. Tuy vậy, phần lớn công việc vẫn do đơn vị quản lý nhà nước đảm nhiệm, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa chung sức cùng ngành trong việc thu hút du khách. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thì vẫn chỉ lo riêng mảng này, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, dịch vụ cũng vậy. Tóm lại, mạnh ai nấy lo. Chính vì vậy, những việc tưởng như giản đơn nhất là sản xuất sản phẩm du lịch (quà lưu niệm, vật phẩm…) mang thương hiệu của Lạng Sơn cũng chưa thể. Điều này khiến du khách đến với Lạng Sơn nhưng khi ra về thì không hề lưu giữ dấu ấn nào về địa phương. Cùng với đó, việc chưa có sản vật du lịch địa phương cũng khiến doanh thu xã hội từ du lịch giảm đi đáng kể. Một thực tế nữa khẳng định thêm việc các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch chưa vào cuộc. Lạng Sơn đã thành lập Hiệp hội du lịch và hiệp hội này đã hoạt động gần 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đến nay, Hiệp hội vẫn chưa xây dựng chiến lược phát triển, các chi hội như chi hội lữ hành, chi hội lưu trú… vẫn cứ mạnh ai nấy làm. Theo một thành viên trong Hiệp hội Du lịch Lạng Sơn cho biết, do các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn ở quy mô nhỏ, tiềm lực hạn chế nên hoạt động của Hiệp hội không đạt mục đích như mong muốn.
Trao đổi về hướng phát triển, quảng bá hình ảnh của du lịch Lạng Sơn đến với các du lịch trong và ngoài nước, ông Trần Việt Di, Giám đốc Công ty CP Du lịch và XNK Lạng Sơn cho biết: “nút thắt” của vấn đề ở đây chính là chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch trong một số các dự án về phát triển du lịch. Việc quy hoạch một số khu du lịch chủ yếu dựa trên “cái mình có” về tiềm năng tài nguyên… mà chưa thực sự bám sát vào nhu cầu và xu hướng thị trường. Quy hoạch chưa “dọn đường” cho cung và cầu du lịch gặp nhau. Cùng với đó, do nguồn lực hạn chế nên công tác quảng bá khó đạt hiệu quả mong muốn là thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Lạng Sơn. Việc chưa tạo dựng được thương hiệu cũng đã ảnh hưởng đến việc níu chân du khách ở lại qua đêm. Điều này được minh chứng khá rõ qua công suất sử dụng buồng, theo thống kê của Sở VH-TT&DL, công suất sử dụng buồng mới chỉ đạt 70%. Cùng đó, do lượng khách nghỉ hạn chế, không đều nên cũng ảnh hưởng chất lượng buồng nghỉ. Hiện toàn tỉnh có khoảng 160 cơ sở lưu trú, nhưng số buồng đạt 3 sao trở lên không có nhiều (khoảng 170/1.100 buồng).
Trong 9 tháng đầu năm, lượng khách đến Lạng Sơn đạt khoảng 1,6 triệu lượt. Dự ước 3 tháng cuối năm khi nhu cầu mua sắm tăng, lượng khách sẽ tăng và mục tiêu 2,2 triệu của ngành chắc chắn sẽ đạt. Tuy nhiên, con số này chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của tỉnh. Được biết, thời gian tới, kế hoạch của ngành du lịch Lạng Sơn là đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về các lễ hội nhằm hướng đến phát triển loại hình du lịch lễ hội tín ngưỡng. Tuy nhiên, cũng chỉ là một giải pháp. Để lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng thì tỉnh cần nhanh chóng xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Về lâu dài, chỉ có đẩy mạnh xã hội hóa du lịch mới có thể phát triển bền vững ngành công nghiệp không khói này.
Ý kiến ()