Cần đảm bảo lợi ích cho người dân
LSO-Chỉ một đêm Trạm thủy điện Bản Quyền xả nước phát điện, gần như toàn bộ số hộ nuôi cá trên sông Tu Đồn, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan đã bị thiệt hại nặng nề. Thiệt hại do thiên tai đã là điều đáng tiếc, bão lũ chưa tới nơi mà nhà nông đã lao đao lại càng xót xa.
Lồng cá của gia đình anh Mông Văn Cún, phố Đức Hinh I, thị trấn Văn Quan bị thiệt hại gần hết |
Rạng sáng 19/7/2014, khi còn tới vài giờ đồng hồ nữa ảnh hưởng của cơn bão số 2 mới tràn đến thị trấn Văn Quan, thế nhưng cư dân nơi đây đã bàng hoàng bởi các lồng cá cạn trơ đáy, cá hết nước, dụi chết trong bùn. Anh Mông Văn Cún, phố Đức Hinh I vẫn còn bàng hoàng: ra kiểm tra tôi vẫn tưởng như người mơ ngủ, nói không ngoa chứ cá hết nước sặc bùn chết xếp lớp như phơi ngô. Nhà anh Cún có 2 lồng nuôi cá theo kiểu quây lưới. Một lồng cá nhỏ, lồng kia mới tách, trung bình khoảng 7-8 lạng/con, lớn nhất có con nặng khoảng 2,5kg. Trong đó phần lớn là thuộc dự án phát triển cá lồng do Trung tâm Thủy sản phối hợp với UBND thị trấn triển khai. Thế nhưng chỉ một đêm, cá trong lồng lớn nhà anh Cún chết sạch, trong lồng nhỏ, cá cũng mất đi phân nửa.
Sông Tu Đồn chảy qua nhiều khu phố trên địa bàn thị trấn Văn Quan, rồi đổ vào lòng hồ Bản Quyền rộng chừng 10ha. Tính tổng diện tích mặt nước toàn thị trấn lên đến gần 70ha. Hơn chục năm nay nuôi cá lồng trên sông Tu Đồn và hồ Bản Quyền đã trở thành truyền thống của người dân thị trấn. Nghề này hàng năm cũng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Cơn bão số 6 năm 2008 tràn qua đã phá hủy 68 lồng nuôi cá trên địa bàn, năm 2011 đập Bản Quyền tháo nước để tu sửa lại càng khiến cho nghề nuôi cá lồng điêu đứng. Đầu năm 2013, UBND thị trấn xây dựng đề án khôi phục và phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu đặt ra khá cụ thể, phấn đấu đến năm 2015 sản lượng cá các loại đạt từ 30-35 tấn với 70 lồng cá, tổng doanh thu đạt gần 3 tỷ đồng; rồi tiến tới đăng ký thương hiệu, mở rộng thị trường…Giúp sức cho đề án này, Trung tâm Thủy sản đã phối hợp triển khai dự án phát triển cá lồng.
Sông Tu Đồn nước cạn đến trơ lồng cá là điều không người dân thị trấn nào nghĩ tới. Lượng nước ấy qua một đêm đã thất thoát đi đâu? Chỉ có một cửa có thể làm thất thoát lớn đến thế, đó chính là Trạm thủy điện Bản Quyền. Trong khoảng năm 2010, Trạm thủy điện này đã được UBND tỉnh giao cho doanh nghiệp tư nhân Kim Lan quản lý, vận hành. Bà Triệu Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Quan cho biết: sáng 19/7/2014, khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, chính quyền thị trấn đã kiểm tra và xác nhận tình trạng cạn nước làm chết cá tại các phố Tân Sơn, Tân Minh và Đức Hinh I. Sau khi làm việc với doanh nghiệp tư nhân Kim Lan, nguyên nhân được xác định là Trạm thủy điện đã xả nước phát điện quá mức.
Để đảm bảo mực nước trên sông, Trạm thủy điện Bản Quyền thường chỉ phát điện từ sáng tới khoảng 20h-21h. Thế nhưng khi nghe tin cơn bão số 2 đổ bộ vào Lạng Sơn sẽ bị ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão, doanh nghiệp khai thác vận hành đã xả nước phát điện cả đêm 18/7/2014 dẫn tới nguồn nước giảm nhanh chóng. Theo thống kê của UBND thị trấn, trên địa bàn đã có 35 hộ nuôi cá bị thiệt hại. Khối lượng ban đầu khoảng hơn 2 tấn. Bước đầu doanh nghiệp tư nhân Kim Lan cũng đã có sự phối hợp cùng với UBND thị trấn để rà soát, thống kê và có hướng bồi thường, khắc phục hậu quả cho người dân.
Anh Mông Văn Cún, rầu rầu kể: sáng chứng kiến cá chết hàng loạt vì cạn nước, buổi chiều lại chứng kiến mưa lớn gần ngập cả lưới quây, người dân chúng tôi càng thêm thắt ruột. Đối với người nuôi cá lồng ở thị trấn Văn Quan, thu nhập hàng năm từ các lồng cá là rất đáng kể trong tổng thu nhập của cả gia đình. Như gia đình anh Cún chẳng hạn, mỗi năm cũng thu khoảng 50 triệu đồng từ cá lồng. Cá chết, nhà nào nhanh thì kịp vớt lúc chưa ươn mang ra chợ bán theo kiểu được đồng nào, hay đồng ấy. Nhà nào chậm hơn, lại gặp đúng lúc bão về, mưa lớn đành để dành cho chăn nuôi.
Người dân thị trấn Văn Quan vớt cá chết sáng 19/7/2014 |
Về tổng thể, hơn 2 tấn cá thực sự chưa phải là lớn. Cái lớn hơn chính là sự phối hợp giữa các bên, cụ thể ở đây là giữa chính quyền cơ sở với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn về vận hành Trạm thủy điện Bản Quyền chưa chặt chẽ. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện thì quy chế cũng đã cơ bản xây dựng xong, nhưng hiện giờ vẫn chỉ là bản dự thảo.
Bão số 2 đi qua đã để lại những thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng thị trấn Văn Quan thiệt hại đã xảy ra ngay từ trước khi bão tới. Cái cần trước mắt là hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân, nhưng cũng phải nhắc tới hướng lâu dài là cần phải có quy chế phối hợp, vận hành chặt chẽ giữa Trạm thủy điện với các đơn vị hữu quan, để người dân có thể yên tâm ổn định đời sống, sản xuất.
Như Phong – Đình Quang
Ý kiến ()