Cần cuộc chơi công bằng trong thương mại điện tử
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang trở thành miền đất hứa đầy hấp dẫn đối với các trang TMĐT xuyên biên giới. Việc hàng loạt sàn TMĐT xuyên biên giới chưa xin phép nhưng hoạt động rầm rộ ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, nếu không kịp thời có các biện pháp quản lý thì sẽ khiến doanh nghiệp nội địa chịu cảnh "chết mòn". Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng rà soát hoạt động này để có biện pháp về thuế, quy tắc xuất xứ, xuất, nhập khẩu để bảo đảm thương mại công bằng.
Sàn TMĐT "chui" triệt tiêu sản xuất trong nước
Thị trường TMĐT tại Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng ấn tượng 25% trong năm 2023 và dự kiến sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới... Đây cũng chính là lý do vì sao Việt Nam trở thành mảnh đất màu mỡ, hấp dẫn thu hút các “ông lớn” TMĐT xuyên biên giới tới đầu tư.
Mới đây nhất, 5 sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam: Shopee, Lazada, Sendo, Tiki và TikTok Shop đã có đối thủ cạnh tranh khi các sàn TMĐT Trung Quốc giá rẻ khác như 1688-nền tảng bán buôn của Trung Quốc thuộc Tập đoàn Alibaba; Temu-thuộc sở hữu của PDD Holdings; trang thương mại thời trang Shein xuất hiện. Sự xuất hiện của các sàn TMĐT giá rẻ từ Trung Quốc, nổi bật là Temu đã gây ra một cơn sốt trên thị trường Việt Nam. Không chỉ thu hút người tiêu dùng bởi giá sản phẩm siêu rẻ, miễn phí giao hàng, chính sách ưu đãi hấp dẫn mà việc giới thiệu sàn TMĐT Temu cho bạn bè còn kiếm được tiền.
Trước cơn lốc đổ bộ của các sàn TMĐT mới, nhiều chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần cân nhắc, cẩn trọng vì các sàn TMĐT này chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. Việc này đồng nghĩa với những hoạt động giao dịch trên sàn Temu và các sàn TMĐT mới chưa được quản lý, các sàn này chưa tuân thủ những quy định của pháp luật Việt Nam và quyền lợi của người tiêu dùng cũng chưa được bảo vệ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội bày tỏ lo ngại, hàng hóa giá rẻ nước ngoài tràn vào qua kênh này, không được quản lý sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước. Ông Hoàng Văn Cường cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, khi để xảy ra hiện tượng các sàn TMĐT xuyên biên giới chưa xin phép nhưng hoạt động rầm rộ ở Việt Nam; đồng thời cho biết, hiện Temu bị cấm tại Indonesia vì chính quyền sở tại cho biết việc cho phép Temu hoạt động sẽ khiến hàng hóa giá rẻ tràn vào nước này và bóp nghẹt các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Thị trường châu Âu, Mỹ cũng đã có biện pháp kiểm duyệt và giám sát chặt chẽ với Temu.
Nhấn mạnh TMĐT là xu thế của thời đại, Việt Nam không thể đứng ngoài, song chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân phân tích, giá rẻ trên các sàn TMĐT như Temu, Shein chưa hẳn do sự tiến bộ của khoa học-công nghệ, quy trình sản xuất khiến giá thành hạ, mà có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế. “Chúng ta khuyến khích TMĐT nhưng phải có kiểm soát chặt chẽ để chống gian lận thương mại, trốn thuế, bảo đảm sự công khai, minh bạch, tạo sự công bằng đối với sản xuất nội địa, tránh gây thiệt hại lớn cho kinh tế-xã hội trong nước”-ông Trần Hoàng Ngân khẳng định.
Yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam
Theo quy định, các sàn TMĐT xuyên biên giới có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt, hoặc có trên 100.000 lượt giao dịch/năm từ Việt Nam phải đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương nhằm bảo đảm tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an toàn thông tin và các quy định pháp lý liên quan. Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sàn TMĐT xuyên biên giới Temu phải nộp thuế như Google, Facebook... và yêu cầu Tổng cục Thuế rà soát việc Temu đăng ký kê khai, nộp thuế. Trường hợp Temu không nộp thuế, cơ quan quản lý sẽ thanh tra, xử lý.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về TMĐT. Cụ thể là tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Cục TMĐT và Kinh tế số tham mưu lãnh đạo Bộ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam ngay trong tháng 10 này; chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu, yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV. Theo đó, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng, việc sửa đổi luật lần này sẽ bổ sung quy định đánh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng các đơn hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng qua TMĐT. Điều này không đơn thuần là để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách mà bảo đảm tính bình đẳng trong kinh doanh. Bởi thực tế hiện nay, cùng một sản phẩm, giá tiền tương đương dưới 1 triệu đồng hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh thì được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế giá trị gia tăng, tạo ra cuộc chơi không công bằng với hàng hóa và doanh nghiệp nội địa.
Ý kiến ()