Thực tế cho thấy, thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra ở miền trung thường rơi vào những địa phương thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” chưa tốt, thiếu triệt để với những phương án cứu trợ chung chung, xa thực tế, không thích hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương. Có nơi, khi lũ lên cao, bà con chạy được lên hang đá an toàn nhưng lại lâm vào cảnh đói và thiếu nước sạch nhiều ngày bởi “hậu cần tại chỗ” chưa tốt. Do thiếu linh hoạt và không có phương án dự phòng trước cho nên một số xã có hàng trăm phương tiện thuyền máy to phục vụ khu du lịch trên địa bàn nhưng khi lũ lớn xảy ra, chính quyền không huy động ngay số thuyền này mà lại phải điện về tỉnh kêu cứu (!)
Trong thực tế cũng bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập khi thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” của địa phương, cơ sở. Thứ nhất là “phương tiện tại chỗ”. Nhìn lại ở nhiều nơi trong khu vực các phương tiện cứu hộ còn rất thiếu và thô sơ. Khi lũ lên nhanh, bà con phải leo lên cây, nóc nhà cầu cứu nhưng xã không có sẵn thuyền để cứu, người dân phải tự chèo đò, bè, mảng nhỏ cứu nhau. Còn ca-nô, tàu cao tốc của bộ đội, công an phải mất thời gian mới đến cứu được dân. Thứ hai là “chỉ huy tại chỗ”. Thường khi lũ lên nhanh, hệ thống thông tin liên lạc ở các địa phương bị tê liệt do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do mất điện nên không “sạc” được pin điện thoại; hệ thống truyền thanh xã bị tắt, “chỉ huy tại chỗ” không còn phát huy vai trò, nếu không nói lúc này rơi vào tình trạng hỗn loạn, “mạnh ai nấy bơi”…
Để phát huy hơn nữa hiệu quả phương châm “Bốn tại chỗ” khi mùa bão lũ đang đến, theo chúng tôi có ba việc cần được chỉ đạo và làm thật tốt.
Một là, các địa phương khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị “Bốn tại chỗ” để cụ thể hóa phù hợp địa bàn và cụm dân cư từng xã, thôn. UBND xã có sự phân công, phân nhiệm cụ thể việc chỉ huy tại chỗ (có thể mỗi người phụ trách từ một đến hai thôn; trưởng thôn chọn ra từ ba đến năm người phụ trách từ 10 đến 12 hộ) khi xảy ra bão lũ, trưởng thôn chịu trách nhiệm tác chiến tại chỗ. Để thực hiện “phương tiện tại chỗ”, huyện, nhất là xã phải nắm được danh sách tất cả các xuồng máy, đò chèo tay của người dân trong các xã, các thôn và chủ các phương tiện này được phân công cụ thể khi bão lũ xảy ra, phương tiện của mình ở đâu và cứu ai, phải sẵn sàng tất cả…
Hai là, tiếp tục ưu tiên đầu tư đẩy nhanh tốc độ xây dựng các công trình dân sinh tránh lũ (trạm y tế; trường học; nhà chứa thóc vượt lũ…). Có địa phương như xã Sơn Thủy (Bố Trạch, Quảng Bình) có kinh nghiệm tốt: xây nhà vượt lũ cao để cất giữ lương thực cho dân, cho nên khi lũ đến, chính quyền xã cử người nấu cơm, rồi “lực lượng tại chỗ” đưa đến cho bà con ăn trong những ngày chạy lũ…
Ba là, cùng với việc tăng cường các thiết bị thông tin liên lạc “đặc chủng” bảo đảm giữ vững thông tin “chỉ huy tại chỗ” trong mọi tình huống thời tiết, cần đặc biệt quan tâm chú trọng việc trang bị “phương tiện tại chỗ” (thuyền máy, ca-nô) cho xã, cơ sở đủ sức chủ động ứng cứu kịp thời ngay khi lũ lên nhanh…
Ý kiến ()