Cần công khai, minh bạch trong liên kết đào tạo với nước ngoài
ND – Ngày 28-5-2013, Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với các trường đại học (ÐH): Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Dược Hà Nội, Nông nghiệp Hà Nội về việc tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài sai đối tượng. Tuy nhiên, Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có công văn khiếu nại lên Bộ trưởng GD và ÐT.
Ðến nay, việc khiếu nại vẫn chưa được giải quyết thấu đáo vì thực tế vi phạm của một số trường ÐH, cao đẳng (CÐ) xuất phát từ bất cập do cơ chế “xin – cho” trong việc cấp phép liên kết đào tạo với nước ngoài của Bộ GD và ÐT.
Nhập nhằng cơ chế “xin – cho”
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, việc liên kết đào tạo với nước ngoài của các trường ÐH, CÐ từ năm 2001 đến cuối năm 2012 thực hiện theo Nghị định 18/2001/NÐ-CP (Nghị định 18), quy định về lập và hoạt động của cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; Thông tư 15/2003/TT-BGDÐT (Thông tư 15), hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 18. Trong Nghị định 18 và Thông tư 15 đều không quy định cụ thể đối tượng tuyển sinh phải đạt điểm sàn kỳ thi tuyển sinh ÐH “ba chung”. Sau khi hai văn bản quy phạm pháp luật nói trên ra đời, các trường đã tiến hành các thủ tục cấp phép đào tạo theo đúng thủ tục.
Theo Cục trưởng Ðào tạo với nước ngoài (Bộ GD và ÐT) Nguyễn Xuân Vang, trước sự bùng nổ liên kết đào tạo với nước ngoài của các trường ÐH, CÐ từ năm học 2009 – 2010 đến nay, Bộ GD và ÐT đã quy định đối tượng tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo trình độ ÐH do đối tác nước ngoài cấp bằng phải đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh ÐH, CÐ. Tuy nhiên, quy định nói trên chỉ được đưa vào các quyết định cấp phép cho từng trường riêng lẻ mà không có văn bản pháp quy nào để tất cả các trường được biết. Vì vậy, trường ÐH, CÐ nào muốn được cho phép liên kết đào tạo với nước ngoài đều phải lập hồ sơ và trình đi, xét lại để Bộ duyệt. Ðiều đó khiến những trường “nhanh chân”, có phép đào tạo với nước ngoài từ trước năm học 2009 – 2010 vẫn có thể tuyển sinh đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT để liên kết đào tạo; những trường xin cấp phép từ năm học 2009-2010 phải tuyển đối tượng đạt điểm sàn thi ÐH trở lên, tạo sự khập khiễng trong cơ chế. Cùng tuyển sinh liên kết đào tạo nước ngoài nhưng trường “xin” trước thì “rộng cửa”, còn trường “xin” sau thì bị thu hẹp đối tượng tuyển sinh.
Ngày 26-9-2012, Chính phủ ban hành Nghị định 73/2012/NÐ-CP (Nghị định 73) quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định 18. Trong Nghị định 73, phần đối tượng tuyển sinh nêu rõ: “Trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải tuân thủ quy định về điều kiện tiếp nhận vào học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của cơ sở giáo dục nước ngoài… “. Tuy nhiên, Nghị định 73 đã có hiệu lực được chín tháng, Bộ GD và ÐT vẫn chưa ban hành được thông tư hướng dẫn cụ thể. Trong khi chưa đưa ra các điều kiện về đối tượng tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài để các trường thực hiện thì đến tháng 7-2013, Bộ GD và ÐT lại “lặng lẽ” bỏ quy định điểm sàn khi cho phép một số trường điều chỉnh đối tượng tuyển sinh. Trong khi một số trường ÐH bị phạt vì tuyển sinh sai đối tượng là học sinh tốt nghiệp THPT thì ngày 3-7-2013, Văn bản 4490/BGDÐT – ÐTVNN của Bộ lại đồng ý cho Trường ÐH Kinh tế quốc dân điều chỉnh đối tượng tuyển sinh các chương trình liên kết đào tạo trình độ ÐH với Trường ÐH Tây Anh quốc và Trường ÐH Sunderland. Theo công văn trên, đối tượng tuyển sinh của Trường ÐH Kinh tế quốc dân là “những người tốt nghiệp THPT hoặc tương đương và đáp ứng các yêu cầu tuyển chọn của chương trình liên kết đào tạo”.
Người học “gánh” hậu quả
Những quy định được đưa ra thiếu minh bạch trong chỉ đạo là một trong những nguyên nhân khiến cho vấn đề liên kết đào tạo với nước ngoài khá lộn xộn. Thanh tra Bộ GD và ÐT đã tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm của nhiều trường. Việc thanh tra, xử lý, chấn chỉnh, nâng cao chất lượng liên kết đào tạo với nước ngoài là cần thiết. Nhưng sau mỗi đợt thanh tra thì vấn đề tháo gỡ nguyên nhân dẫn đến vi phạm không được giải quyết, nhất là những vướng mắc về cơ chế. Việc xử lý sau thanh tra luôn dồn những thiệt thòi, về phía người học. Các quyết định của Thanh tra Bộ GD và ÐT đều yêu cầu các trường buộc thôi học những sinh viên mà trường tuyển sai đối tượng. Ðiển hình như Quyết định số 72/QÐ-XPHC ngày 28-5-2013 của Thanh tra Bộ GD và ÐT buộc Trường ÐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội “cho thôi học và trả lại các khoản tiền đã thu của người học” vì sai đối tượng. Trong khi đó, việc tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài có đối tượng học sinh tốt nghiệp THPT vẫn tồn tại ở khá nhiều trường. Trên trang thông tin điện tử của nhiều trường vẫn đăng thông tin tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài chỉ tuyển học sinh tốt nghiệp THPT. Thậm chí, ngay trong cuốn sách Những điều cần biết về tuyển sinh ÐH, CÐ năm 2013, nhiều đơn vị, như: Khoa Quốc tế (ÐH Quốc gia Hà Nội), Trường ÐH Nông lâm (ÐH Thái Nguyên), Trung tâm ÐH Pháp (TP Hồ Chí Minh), Trường ÐH Anh Quốc Việt Nam (Hà Nội)… đưa ra thông báo tuyển các thí sinh tốt nghiệp THPT.
Chánh Thanh tra Bộ GD và ÐT Nguyễn Huy Bằng cho rằng: Việc ban hành các quyết định cho phép liên kết đào tạo không có gì là bất cập vì Bộ là đơn vị quản lý nhà nước, mà trong quản lý nhà nước phải quan tâm đến chất lượng. Các trường thực hiện nếu có vướng mắc cần đề xuất để Bộ có ý kiến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong các nghị định và thông tư quy định về tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài đều không quy định đối tượng tuyển sinh phải đạt điểm sàn ÐH trở lên. Bộ GD và ÐT quy định đối tượng tuyển sinh liên kết đào tạo do trường nước ngoài cấp bằng nhưng chỉ đưa ra những tiêu chí đó trong những quyết định riêng lẻ. Vì vậy, việc xử phạt theo các quyết định riêng lẻ của Bộ GD và ÐT không có trong các nghị định, thông tư là không phù hợp thực tiễn, gây bức xúc cho các trường.
Ðể công tác liên kết đào tạo với nước ngoài bảo đảm chất lượng, theo đúng quy định, Bộ GD và ÐT cần điều chỉnh và công khai, minh bạch các quy định, tránh tình trạng mập mờ, khó hiểu; nhất là sớm có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 của Chính phủ để các trường làm cơ sở thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài. Ðáng chú ý, ngày 1-7 vừa qua, Cục Ðào tạo với nước ngoài tiếp tục có Công văn 1287/ÐTNN gửi Thanh tra Bộ GD và ÐT về hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài có dấu hiệu sai phạm của Học viện Thăng Long, ÐH Thái Nguyên, Trường ÐH Ðại Nam… Vì vậy, Thanh tra Bộ GD và ÐT xử lý kết quả thanh tra không chỉ dựa vào quyết định của Bộ GD và ÐT, mà đồng thời cần kiến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, nếu không sẽ gây nên những bức xúc không chỉ cho các trường mà còn trong dư luận xã hội.
Ý kiến ()