Cần công khai, minh bạch doanh thu thu phí đường bộ
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây do VEC quản lý, khai thác.
“Lỗ hổng” giám sát thủ công
Để trấn an dư luận, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị quản lý, vận hành khai thác tuyến HLD và ba tuyến cao tốc khác đã công bố quy trình thu phí, giám sát cũng như hậu kiểm, bảo đảm quản lý chặt chẽ, minh bạch, công khai. Theo đó, các tuyến do VEC đầu tư đều xây dựng mới, tổ chức thu phí kín (thu phí có kiểm soát đầu vào và đầu ra qua hệ thống thẻ điện tử). Việc quản lý, sử dụng tiền thu phí được thực hiện theo phương án tài chính các dự án được phê duyệt; ưu tiên dành trả nợ các khoản vay, chi phí quản lý, bảo trì,… Việc giám sát, hậu kiểm được VEC thực hiện qua nhiều khâu, dữ liệu định kỳ được sao lưu phục vụ giám sát, hậu kiểm, lưu trữ tối thiểu 5 năm. Đại diện VEC khẳng định, công tác thu phí, giám sát, hậu kiểm,… đều tuân thủ các quy định hiện hành, bảo đảm công khai và minh bạch.
Những giải trình của VEC chưa đủ để dư luận tin tưởng, bởi đó mới chỉ là thông tin một chiều từ phía doanh nghiệp (DN), chưa phải thông tin chính thức của các cơ quan chức năng. Hơn nữa, quy trình thu phí dù có chuẩn nhưng người thực thi, các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan có thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Sự nghi ngờ về tính minh bạch trong công tác thu phí thật ra đã âm ỉ từ lâu. Giữa năm 2016, Tổng công ty Xây dựng công trình Giao thông 1 (Cienco 1) – một cổ đông của Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã bất ngờ tố cáo việc thu phí tại đường cao tốc Pháp Vân –
Cầu Giẽ có nhiều gian lận. Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã vào cuộc thanh tra, xác định chênh lệch giữa số thu bình quân ngày giám sát với số thu bình quân ngày báo cáo của DN dự án là gần 600 triệu đồng/ngày. Tương tự, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng vào cuộc thanh tra cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, phát hiện một thực trạng tương tự, chênh lệch doanh thu báo cáo và thực tế lên tới hàng trăm triệu đồng/ngày. Đáng tiếc, kết quả này sau đó đã bị chìm vào quên lãng.
Mặc dù “ông chủ BOT” nào cũng khẳng định như đinh đóng cột, việc thu phí được giám sát chặt chẽ, phần mềm thu phí con người không thể can thiệp được, song một thực tế là doanh thu thu phí đang hết sức tù mù. Các cuộc kiểm tra, giám sát hệ thống trạm thu phí tại dự án BOT trên cả nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam những năm vừa qua đã phát hiện nhiều khiếm khuyết, sai sót của nhà đầu tư khi số thu phí dự án báo cáo thấp hơn thời điểm kiểm tra hay hàng loạt các lỗi về dữ liệu phục vụ công tác hậu kiểm, khiến cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí.
Sớm triển khai thu phí tự động không dừng
Chỉ đến khi vụ cướp trạm thu phí tại Dầu Giây xảy ra, những con số về doanh thu thu phí tại cao tốc HLD mới được đưa ra và nó khiến nhiều người giật mình. Mỗi ngày, cao tốc này đạt doanh thu 3,3 đến 3,4 tỷ đồng, ngày lễ, Tết có thể lên tới 5 đến 6 tỷ đồng/ngày. Nhưng đây cũng mới chỉ là con số doanh thu do nhà đầu tư tự đưa ra, còn doanh thu thực tế bao nhiêu vẫn là một dấu hỏi lớn. Khi được phỏng vấn, nhiều chuyên gia từng nói thẳng, phần mềm thu phí do con người tạo ra, hệ thống thu phí lại do chính “ông chủ BOT” quản lý, việc can thiệp, làm sai lệch dữ liệu đến nay tuy chưa “bắt tận tay” song thực tế kiểm tra nhiều đợt của cơ quan chức năng đã chứng minh, không có gì khẳng định doanh thu thu phí là minh bạch cả.
Mới đây, cơ quan công an điều tra đã phát hiện và xử lý gian lận thu phí của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương kéo dài từ năm 2015 đến nay. Cơ quan công an đã bắt giữ khẩn cấp Giám đốc Công ty Yên Khánh, chi nhánh Long An và bốn người khác để điều tra về hành vi “mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các trạm thu phí trên cao tốc này. Với lưu lượng xe lớn, do đây là tuyến đường cao tốc huyết mạch đến cửa ngõ TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại số tiền thất thoát sẽ lớn đến như thế nào khi việc quản lý lỗ hổng giám sát thu phí vẫn đang bị bỏ ngỏ? Trong khi đó, nhà đầu tư gian dối doanh thu, sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thu phí, điều chỉnh phương án tài chính, số tiền chênh lệch khổng lồ này sẽ rơi vào túi ai? Một trường hợp khác cần phải kể đến, cách đây không lâu, VEC bị phát hiện mất hàng trăm nghìn thẻ thu phí, đã phát cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai. Theo kết quả rà soát, từ tháng 1 đến tháng 8-2015, tổng số lượng thẻ định danh do VEC phát ra gần 3,5 triệu thẻ (phát ra từ 11 trạm thu phí trên toàn tuyến), số lượng thẻ định danh không thu hồi được là 137.221 thẻ, chiếm gần 4% số lượng. Giải thích sự việc này, VEC đưa ra lý do trên tuyến có nhiều điểm mở chưa đóng khi khai thác đường cao tốc. Nhưng, nhiều ý kiến đặt ra, tại sao VEC không khai báo sớm vấn đề này và loanh quanh trong việc truy cứu trách nhiệm lãnh đạo đơn vị buông lỏng quản lý.
Để bảo đảm công khai, minh bạch, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương rà soát, đánh giá việc quản lý các phần mềm thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) do Bộ GTVT quản lý. Trên cơ sở đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phương án quản lý phần mềm thu phí dịch vụ phù hợp, chống thất thoát doanh thu, báo cáo Bộ trong tháng 3 tới. Nhằm giám sát chặt chẽ hơn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang thực hiện dự án xây dựng quản lý giám sát, khai thác dữ liệu thu phí đường bộ, giám sát cả thu phí một dừng và thu phí không dừng. Toàn bộ dữ liệu ở các trạm thu phí sẽ được truyền thẳng về Tổng cục, sử dụng một số công cụ để nhận biết các giao dịch bất thường, sau đó sẽ kiểm tra, trong quá trình giám sát sẽ kiểm tra ngẫu nhiên. Phần mềm này sẽ tạo ra kênh giám sát độc lập của cơ quan quản lý nhà nước, đang thí điểm trước ở ba trạm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra toàn bộ các trạm.
Bộ GTVT yêu cầu đến hết năm 2019, tất cả các trạm BOT phải chấm dứt thu phí thủ công, chuyển sang thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc thu phí tự động sẽ giúp giám sát hiệu quả việc thu phí, ngăn chặn nạn gian dối, biển thủ doanh thu. Cùng với đó, phát huy lợi ích, hiệu quả cho xã hội như không mất thời gian dừng xe, giảm nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Mặc dù Chính phủ đặt ra lộ trình, hết năm 2018 tất cả trạm thu phí trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 phải lắp đặt công nghệ thu phí không dừng, hết năm 2019 áp dụng cho tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Tuy nhiên, đến nay, cả nước mới hoàn thành 26 trạm BOT với 91 làn thu phí không dừng, chưa đáp ứng tiến độ đề ra do một số nhà đầu tư nêu đủ lý do để dùng dằng, lần lữa không thực hiện. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()