Cần có tư duy mới về cổ phần hoá tập đoàn kinh tế
Thời gian gần đây, việc cổ phần hoá các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước không những đang phải đối diện với những vấn đề chung của các doanh nghiệp cổ phần hoá mà còn cả những vấn đề riêng của loại hình doanh nghiệp quy mô lớn.
Vấn đề chung của các doanh nghiệp cổ phần hoá là, cần xử lý các tồn tại và giải quyết vấn đề mới phát sinh sau cổ phần hoá. Đó là tình trạng doanh nghiệp sau cổ phần hoá vẫn chưa thoát ra khỏi phương thức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước cũ. Vẫn chưa có đột phá mạnh về tư duy, hành động trong quản trị, điều hành, năng lực quản lý, khả năng cạnh tranh, tính công khai, minh bạch. Khó tìm được cổ đông chiến lược, cách lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, vai trò cổ đông nhà nước bị quá lạm dụng hoặc trong trình trạng chỉ giữ vai trò như người giữ vốn nhà nước…
Vấn đề có đặc thù của cổ phần hoá tập đoàn kinh tế và tổng công ty đó là, tập đoàn kinh tế và tổng công ty là những doanh nghiệp quy mô lớn, có tài sản lớn, nhiều vốn nhà nước, nắm giữ những ngành, lĩnh vực kinh doanh thường được quan niệm là quan trọng, nhạy cảm, liên quan đến vị trí, vai trò của kinh tế nhà nước, an ninh, quốc phòng, công ích. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty cấu trúc phức tạp, đa dạng, nhiều tầng nấc, gồm nhiều doanh nghiệp thành viên, lợi ích không đồng nhất thậm chí đối lập nhau. Tập đoàn kinh tế và tổng công ty theo quan niệm trước đây và thậm chí hiện nay vẫn còn được coi là nòng cốt, xương sống của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế nhà nước. Đây đều là những vấn đề gai góc, cần giải quyết trong và sau cổ phần hoá.
Về cách thức tiến hành cổ phần hoá, theo chuyên gia kinh tế Trần Tiến Cường, hiện tại có hai cách, một là, cổ phần hoá toàn bộ tập đoàn kinh tế và tổng công ty, và hai là, chỉ cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên để chuyển sang mô hình công ty mẹ – công ty con. Cho đến nay, cổ phần hoá tổng công ty vẫn thiên về cách làm thứ hai. Trước hết, cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên, sau đó mới cổ phần hoá công ty mẹ. Cách này chỉ thay đổi ở bên dưới, công ty con, cháu, công ty liên kết, chứ chưa đụng đến doanh nghiệp phía trên, đó là công ty mẹ. Vì vậy, nhiều tập đoàn kinh tế và tổng công ty không có chuyển biến mạnh mẽ, sức ỳ vẫn lớn, nó chỉ phù hợp giai đoạn trước tái cơ cấu. Trước gia đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, chưa có tập đoàn kinh tế nào được cổ phần hoá theo cách thứ nhất, trừ Tập đoàn Tài chính bảo hiểm Bảo Việt và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Gần đây một số tổng công ty cũng đã chuyển sang cách cổ phần hoá thứ nhất.
Có thể thấy, đối với các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn như tập đoàn kinh tế và tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, việc cổ phần hóa cần phải có sự lựa chọn và các bước đi phù hợp với điều kiện của đất nước cũng như định hướng phát triển kinh tế của Đảng. Việc cổ phần hóa không thể thực hiện ồ ạt ngay từ thời điểm cổ phần hóa mà phải được tiến hành theo nhiều giai đoạn phù hợp với kế hoạch và lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn nhà nước. Hay nói cách khác, cần có những hướng dẫn cụ thể và các bước triển khai thận trọng khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, tổng công ty hoạt động trong những ngành, lĩnh vực quan trọng.
Theo CPV
Ý kiến ()