Sáng 10-8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Hướng dẫn xây dựng Quy hoạch Phát triển nhân lực của các bộ, ngành, địa phương thời kỳ 2011- 2015 và định hướng đến năm 2020.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nhân lực là tiền đề của sự phát triển. Với một quốc gia như Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng còn là lợi thế để nâng cao khả năng cạnh tranh trong hội nhập. Vì vậy, việc xây dựng một Quy hoạch Phát triển nhân lực cấp quốc gia với tầm nhìn 10 năm là việc làm cấp bách, là bước đi đầu tiên để thực hiện Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia đến năm 2020, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hằng năm phát triển nói chung và phát triển nhân lực nói riêng của ngành, địa phương.
Với tầm quan trọng của Quy hoạch nhân lực tổng thể mang tầm quốc gia, từng bộ, ngành, địa phương khi xây dựng các quy hoạch của mình cần xác định rõ mục tiêu nhu cầu về nhân lực, giải pháp thực hiện mục tiêu và các chính sách hỗ trợ thực hiện cũng như nguồn lực để thực hiện. Đặc biệt, quy hoạch phải được xây dựng dựa trên sự phối hợp chặt chẽ giữa “ba nhà” gồm: Nhà trường, Nhà nước và nhà doanh nghiệp hay đơn vị sử dụng lao động; trong đó, doanh nghiệp sử dụng lao động phải coi việc trực tiếp tham gia đào tạo lao động như một trách nhiệm xã hội.
Để việc xây dựng quy hoạch hiệu quả, đúng tiến độ đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện thí điểm rút kinh nghiệm tại một số địa phương, ngành, lĩnh vực gồm: bảy tỉnh (Bắc Ninh, Lào Cai, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đác Lắc, Đồng Nai, Hậu Giang); năm ngành (tài chính ngân hàng; y tế; giáo dục; du lịch; phát thanh truyền hình và báo chí); Khu kinh tế Vũng Áng-Hà Tĩnh; doanh nghiệp thí điểm là Tập đoàn sản xuất máy tính và phần mềm công nghệ thông tin Intel và HP; quy hoạch đào tạo nhân lực cho nông thôn.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị thành lập Cơ quan thường trực Chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch cấp trung ương gồm đại diện ba bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội. Ở cấp địa phương, các tỉnh cần thành lập ngay ban chỉ đạo thực hiện do một phó chủ tịch UBND làm trưởng ban với sự tham gia của ba sở liên quan.
Tại Hội nghị trực tuyến, các đại biểu đều nhất trí với chủ trương xây dựng Quy hoạch phát triển nhân lực cho giai đoạn. Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng: Quy hoạch phát triển nhân lực 10 năm phải gắn liền với mục tiêu chiến lược phát triển của Việt Nam đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp; Quy hoạch không nên dừng ở trung ương, bộ, ngành, địa phương mà phải theo cả vùng; Quy hoạch cần đầu tư tập trung theo ngành nghề trọng điểm…
Theo tiến độ đề ra, ngày 10-10 tới đây, các đơn vị thí điểm sẽ phải hoàn thành việc xây dựng đề án; tháng 10 và 11, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng đề án nộp lên trung ương tổng hợp xây dựng Quy hoạch của cả nước và trong tháng 12-2010 trình lên Thủ tướng Chính phủ.
* Cùng ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 – 2015 với 63 tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch làm việc liên bộ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có sự tư vấn kịp thời về xây dựng kế hoạch, các nội dung đề xuất kinh phí triển khai đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi phải phù hợp các nguồn vốn thực hiện để có tính khả thi nhất.
Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được triển khai theo hai giai đoạn: giai đoạn 2010 – 2012 và 2013 – 2015 với nguồn kinh phí huy động từ ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí và các nguồn xã hội hóa khác. Đề án triển khai bốn dự án chính: xây dựng phòng học, phòng chức năng theo quy định; mua sắm trang thiết bị, đồ chơi; đào tạo bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ trẻ em nghèo; xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia cho 86 huyện khó khăn trên cả nước.
Ngoài bảy giải pháp Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trong Đề án, nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp cụ thể theo đặc thù như: tại Trà Vinh dựa vào uy tín nhà chùa để huy động trẻ 5 tuổi tới lớp; Cao Bằng tăng thêm đội ngũ giáo viên bằng phương pháp cử tuyển… Các địa phương cũng nêu ra nhiều kiến nghị: xem xét phân bổ kinh phí hợp lý theo vùng, miền, ưu tiên các vùng khó khăn trước; giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên mầm non lớn tuổi có đủ 20 năm công tác trong ngành nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định; xây dựng bổ sung Đề án kiên cố hóa giai đoạn 2012 – 2015 để xây dựng phòng học cho phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi…
Về khó khăn trong việc giải quyết chế độ hưu cho gần 6.000 cán bộ, giáo viên mầm non đã dạy hơn 20 năm nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh đề xuất Chính phủ xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ số tiền đóng bảo hiểm những năm còn thiếu của số cán bộ, giáo viên này để giúp họ được giải quyết chế độ hưu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kiến nghị mà các tỉnh, thành phố nêu ra tại hội nghị và yêu cầu ngay sau hội nghị, các địa phương phải báo cáo Ủy ban nhân dân, cấp ủy đảng sớm đưa nội dung phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào nghị quyết đại hội đảng bộ. Đồng thời, các địa phương cần kiện toàn Ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi trên cơ sở Ban chỉ đạo chống mù chữ và phổ cập giáo dục trước đây. Năm học 2010-2011 là năm đầu tiên triển khai Đề án, các địa phương cần rà soát nhu cầu tài chính cụ thể của mình và từ nay tới lúc vào năm học mới phải có báo cáo tài chính để triển khai các nội dung sử dụng nguồn lực địa phương trước.
Đối với vấn đề quy hoạch đất xây dựng trường theo đề án, cần hoàn thiện trong năm 2010. Theo đó, những nơi đang có sẵn quy hoạch đất xây dựng trường mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi nên xem xét để có thể xây dựng các lớp cho cả lứa tuổi khác trong giáo dục mầm non. Phó Thủ tướng đề nghị Bảo hiểm xã hội phối hợp Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể trước 20-8-2010 về phương án giải quyết bảo hiểm xã hội cho cán bộ, giáo viên sao cho công bằng và hợp lý nhất.
Ý kiến ()