Cần có những tiêu chí rõ ràng hơn về bất động sản "xanh"
Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), thực tế hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của các dự án bất động sản (BĐS) tại nhiều đô thị lớn của Việt Nam đang tạo nên nguồn cung đa dạng cho thị trường, nhưng mặt khác cũng dẫn đến nguy cơ hình thành những đô thị kém bền vững do tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ, mất cân bẳng sinh thái.
Để khẳng định vị thế, bên cạnh việc chuẩn bị tài chính vững mạnh, không ít chủ đầu tư đã tìm hướng đi mới mẻ hơn, đó là phát triển dự án BĐS theo tiêu chuẩn xanh.
Có thể thấy, hướng đi mới này quả thực đã và đang thu hút được sự quan tâm của khách hàng. Điều này xuất phát từ thực tế, trong thời kỳ áp lực đô thị không ngừng gia tăng như hiện nay thì các dự án xanh càng trở nên cấp thiết nhờ góp phần giúp cư dân cải thiện sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật và kéo dài tuổi thọ. Vì thế, dự án nào được gọi là “công trình xanh” thì sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm từ khách hàng.
Quy chuẩn nào cho dự án BĐS xanh?
Hiện tại, trên thế giới, có nhiều hệ thống đánh giá tiêu chuẩn công trình xanh đang được áp dụng như LEED, EDGE, GREEN MARK. Trong đó LEED của tổ chức US.GBC (Mỹ) được xem là hệ thống tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh uy tín và được tín nhiệm toàn cầu với việc phổ biến và áp dụng ở hơn 150 quốc gia.
Mặc dầu vậy, theo công bố của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), tính đến thời điểm hiện tại, số công trình tại Việt Nam đạt được chứng chỉ LEED còn rất khiêm tốn, áp dụng chủ yếu trong các công trình thương mại, cao ốc văn phòng, nhà máy sản xuất. Ngoài kiến trúc xanh, vật liệu được sử dụng để xây dựng dự án cũng phải là vật liệu xanh mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo không tác động xấu tới sức khoẻ của cư dân.
Chính vì thiếu các tiêu chí chuẩn mực áp dụng, nên trên thị trường hiện không tránh khỏi hiện tượng mượn nhãn dự án BĐS xanh để gia tăng khả năng thu hút, xoay vòng vốn và mở rộng diện khách hàng. Hiện tại, các dự án công trình xanh chưa nhiều, chủ yếu là những khu nhà ở thương mại, giá thành cao. Hơn nữa, nước ta chưa có tiêu chuẩn xanh quốc gia nên hầu hết các dự án xanh đều do chủ đầu tư lựa chọn tiêu chuẩn của các đơn vị tư vấn nước ngoài như: Edge (của tổ chức IFC thuộc Ngân hàng Thế giới); Green Mark (Singapore), Leed (Mỹ), Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC).
Theo các chuyên gia, các tiêu chuẩn xác định dự án xanh thường gồm 6 yếu tố cơ bản mà quốc gia nào cũng phải theo, gồm: Địa điểm xây dựng công trình bền vững; sử dụng năng lượng và nước hiệu quả; sử dụng vật liệu và tài nguyên thân thiện với môi trường; chất lượng môi trường trong nhà tốt; thiết kế sáng tạo, mới mẻ. Còn thực tế, những dự án đã đăng ký chứng chỉ xanh phải được nghiệm thu, do đó chủ đầu tư phải xây dựng đúng chuẩn, sau 3 năm đưa vào sử dụng mà kiểm tra lại không đạt sẽ bị thu hồi chứng chỉ.
Không phủ nhận một nghịch lý là nhiều dự án chung cư gắn mác “xanh” được thiết kế không theo tiêu chuẩn xanh nào, phần lớn phục vụ mục đích bán hàng. Hơn nữa, một số dự án có thể có cây xanh hay hồ nước và dùng các đặc điểm cảnh quan này làm minh họa cho tính xanh của dự án. Tuy nhiên, người mua nhà ít khi biết được thiết kế của các dự án này, cũng như thiết bị, vật liệu được sử dụng nên rất khó đánh giá được độ xanh của dự án.
Vì lẽ đó, theo các nhà quản lý và các chuyên gia, cần sớm ban hành hệ thống tiêu chí quốc gia về công trình xanh. Bởi, hiện nay quá nhiều tiêu chí khiến các chủ đầu tư lan man, không biết nên chọn xây dựng theo tiêu chí nào.
Xuất phát từ đòi hỏi và nhu cầu của thị trường
Khảo sát của Hội môi trường xây dựng Việt Nam cho thấy, xu hướng xây dựng và phát triển công trình xanh là tất yếu, được các nước trên thế giới áp dụng từ lâu, mang lại hiệu quả cao cho cả người sử dụng và chủ đầu tư. Song song, thị trường đã nhìn thấy thực tế là các dự án đô thị xanh mang lại hiệu quả cho nhiều chủ thể. Chủ đầu tư sẽ bán hàng nhanh hơn, giá cao hơn từ 4-8%. Khách hàng giảm chi phí điện nước từ 15-20%.
Ngoài ra, trong một nghiên cứu toàn cầu mới đây của Nielsen về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, 64% các đối tượng tham gia nghiên cứu (từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) cho biết sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng các tính năng bền vững, công trình xanh (cao hơn mức 50% của năm 2012).
Hiện nay, người mua nhà ngày một khắt khe trong việc lựa chọn không gian sống. Nếu ngày trước, người dân đi mua nhà chỉ mong có được chốn an cư thì nay họ đã chú ý nhiều đến chất lượng chỗ ở. Cụ thể, khách hàng đang nhắm tới những dự án có nhiều tiện ích nội khu, có diện tích mảng xanh lớn.
Như vậy, không chỉ chính sách nhà nước đang có sự thay đổi theo hướng khuyến khích mạnh mẽ việc phát triển dự án xanh, các chủ đầu tư có tiềm lực đang đầu tư đáng kể vào không gian xanh mà bản thân người mua nhà cũng đang thay đổi tiêu chí chọn lựa chỗ ở.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), tại Việt Nam, nhận thức của chủ đầu tư và người tiêu thụ về phát triển bền vững thông qua phát triển công trình xanh đã có ít nhiều cải thiện. Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu, xây dựng và ban hành các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các công trình xanh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình được chứng nhận là công trình xanh. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng và triển khai thực hiện quy định đánh giá, chứng nhận, dán nhãn, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng khuyến khích tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, phát triển công trình xanh, thực hiện lối sống thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Đangcongsan
Ý kiến ()