Cần có nhận thức và cách tiếp cận đúng đắn về điều 4 Dự thảo Hiến pháp
LSO-Trong các cuộc lấy ý kiến nhân dân vào việc sửa đổi Hiến pháp, có ý kiến đề nghị bỏ Điều 4, tức là bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây là một nội dung được nhiều người quan tâm thảo luận, do đó cần phải có một cách tiếp cận phân tích hợp lý.
Các luận cứ lịch sử đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng. Việc khẳng định của Điều 4 là phù hợp với ý chí nguyện vọng và khát vọng của nhân dân. Việc khác biệt về tư tưởng cũng là chuyện bình thường trong tiến trình dân chủ hiện nay. Quan trọng là xuất phát từ động cơ chính trị nào, động cơ đạo đức gì, vì xây dựng, kiến tạo hay phá hoại? Có thể có hai nguyên nhân chính, một là do không hiểu biết, chưa đủ thông tin hoặc do nhận thức chưa đầy đủ nên đưa ra những kiến nghị không chính xác. Nhưng cũng không loại trừ sự phủ nhận một cách có ý thức của một số phần tử chống đối.
Như mọi người đều biết, Đảng với nhân dân là thống nhất, với Nhà nước là thống nhất. Phủ nhận vai trò của Đảng tức là phủ nhận vai trò của nhân dân, phủ nhận ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phương hại đến nền độc lập tự do của Tổ quốc; phương hại đến quyền sống, quyền tự do hạnh phúc của nhân dân. Vì bảo vệ dân mà phải bảo vệ Đảng. Khẳng định vai trò của Đảng chính là khẳng định tính chính đáng của Đảng về mặt địa vị pháp lý, cũng là gắn trách nhiệm pháp lý chính trị của Đảng với nhân dân và xã hội. Không những thế, Đảng còn có đầy đủ phẩm chất đạo đức xứng đáng cho lực lượng cầm quyền thông qua đánh giá của nhân dân và lịch sử. Sự tồn tại của Đảng là sự tồn tại hợp pháp hợp hiến. Điều 4 lần này đã thể hiện địa vị pháp lý của Đảng một cách rõ ràng, thuận lòng dân và phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Đảng lãnh đạo chính quyền là để củng cố quyền làm chủ của dân, mọi quyền lực phải thuộc về dân. Trái với nguyên tắc này thì Đảng sẽ thoái hóa, biến chất, đối lập với dân, đứng trên nhân dân, còn đảng viên sẽ trở thành “quan cách mạng, vinh thân phì gia”. Chính bản lĩnh, dũng khí và sự gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa ảnh hưởng trực tiếp đến an nguy của đất nước. Hơn nữa cần nói rõ, ghi nhận Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền chứ không chỉ là lãnh đạo. Nói “Đảng cầm quyền” rộng hơn, chính xác hơn, rõ ràng và minh bạch hơn nói “Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Điều 4 Hiến pháp cần làm rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, là trung tâm đoàn kết và hòa hợp dân tộc, thực hành dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Là Đảng yêu nước và vì chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và chế độ XHCN. Đồng thời là “Đảng cầm quyền”, Đảng phải biến đường lối và nghị quyết của Đảng và ý chí của nhân dân thành quy phạm pháp luật để thực thi quyền lực Nhà nước trong quản lý phát triển xã hội, vì dân giàu nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. “Đảng cầm quyền” thì các tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và gương mẫu thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đảng phải tôn trọng Nhà nước, không được bao biện, làm thay công việc của Nhà nước và các đoàn thể. Đảng phải tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên để giới thiệu với nhân dân bầu vào các vị trí đại diện của Nhà nước và các đoàn thể, hoặc để được bổ nhiệm vào các cơ quan Nhà nước và đoàn thể. Đảng tôn trọng cán bộ ngoài Đảng và cán bộ ngoài Đảng bình đẳng với cán bộ là đảng viên. Đảng phải có cơ chế lắng nghe và phản hồi ý kiến góp ý, phản biện của nhân dân. Đảng tin dân, kính trọng dân, dựa vào dân, làm lợi cho dân, để dân tham gia xây dựng Đảng và phát triển đất nước. Đảng chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. “Đảng cầm quyền” theo Hiến pháp và pháp luật và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và pháp luật. Có làm được như vậy thì Điều 4 Hiến pháp mới có tính khả thi.
So với Hiến pháp năm 1992, Điều 4 Dự thảo có 3 bổ sung phát triển quan trọng: (1) khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là đội tiên phong của giai cấp công nhân, mà đồng thời còn là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sản phẩm của sự kết hợp của chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước; (2)bổ sung quy định “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Sự bổ sung này quy định bản chất, trách nhiệm của Đảng đối với nhân dân. Đảng viên phải tự giác gương mẫu, thực hiện, chấp hành Hiến pháp và pháp luật; (3)dự thảo quy định rõ hơn, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước.
Về cơ bản, dự thảo khẳng định bản chất và mô hình tổng thể chế độ chính trị đã đươc xác định trong Hiến pháp năm 1992, đồng thời đã sửa đổi, bổ sung làm rõ hơn, đầy đủ hơn nhiều vấn đề cần làm rõ.
Mai Tùng
Ý kiến ()