Cần có lộ trình áp dụng giá dịch vụ y tế mới
Từ ngày 1-8, nhiều bệnh viện trong cả nước áp dụng giá mới của 447 dịch vụ y tế (viện phí) sau khi được Bộ Y tế phê duyệt (đối với các bệnh viện tuyến trung ương và bộ, ngành) hoặc hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố thông qua (đối với bệnh viện tuyến tỉnh, huyện). Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế nhìn chung là hợp lý vì nó thay thế giá các dịch vụ đó áp dụng từ hàng chục năm.Tuy nhiên, quá trình xây dựng cũng như bắt đầu áp dụng khung giá mới đã bộc lộ những điều chưa hợp lý, đòi hỏi sớm có biện pháp điều chỉnh. Theo đó, đối với những bệnh viện tuyến trung ương có cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc được đầu tư hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt hơn thì việc áp dụng mức giá cao nhất trong khung giá tối đa đã được phê duyệt là có thể chấp nhận được. Còn những bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện cấp quận, huyện, nhất là những tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất cũng như đội...
Tuy nhiên, quá trình xây dựng cũng như bắt đầu áp dụng khung giá mới đã bộc lộ những điều chưa hợp lý, đòi hỏi sớm có biện pháp điều chỉnh. Theo đó, đối với những bệnh viện tuyến trung ương có cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc được đầu tư hiện đại, chất lượng dịch vụ tốt hơn thì việc áp dụng mức giá cao nhất trong khung giá tối đa đã được phê duyệt là có thể chấp nhận được. Còn những bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện cấp quận, huyện, nhất là những tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhân viên y tế với chất lượng còn hạn chế, nhưng cũng xây dựng phương án và được hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố phê chuẩn mức cao. Thậm chí giá viện phí mà nhiều địa phương đã xây dựng và thực hiện không đúng như cơ cấu giá Bộ Y tế đưa ra. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên như hiện nay một phần là do trình độ, chất lượng của bệnh viện tuyến dưới còn thấp. Nếu giá dịch vụ y tế ở tuyến dưới cũng tăng như tuyến trên thì việc quá tải ở tuyến trên chắc chắn vẫn tái diễn.
Quan điểm của Bộ Y tế khá rõ ràng, đó là chỉ áp mức tối đa trong khung viện phí mới đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và một số bệnh viện tuyến cuối. Ngay cả những bệnh viện tuyến trung ương cũng cần có sự tính toán hợp lý, không thể có mức thu cào bằng. Trên tinh thần đó, các địa phương cân nhắc xây dựng và phê duyệt mức giá phù hợp các điều kiện kinh tế – xã hội; thu nhập của người dân trên địa bàn và phải dựa trên thực trạng về chất lượng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh; cũng như khả năng cân đối quỹ BHYT trên địa bàn. Đặc biệt, tại các bệnh viện từ tuyến trung ương xuống đến cơ sở, cần xây dựng riêng cho mình lộ trình áp dụng giá các dịch vụ y tế.
Đi liền với việc tăng giá các dịch vụ y tế đòi hỏi các bệnh viện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, tinh thần, thái độ phục vụ cũng như khả năng đáp ứng dịch vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, ngành y tế cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ tuyến dưới từ đầu tư trang thiết bị đến nâng cao trình độ thầy thuốc, để người bệnh yên tâm, tin tưởng khi không may bị ốm đau.
Theo thống kê, cả nước hiện còn 15 tỉnh, thành phố chưa thực hiện giá viện phí mới, cho nên việc rà soát lại khung giá các dịch vụ ở các địa phương này cũng dễ dàng hơn. Tuy vậy tại các địa phương đã phê duyệt khung giá mới cũng vẫn có thể rà soát lại và thực hiện theo lộ trình chứ không áp ngay giá cao. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những vướng mắc cần phối hợp các cơ quan liên quan để tháo gỡ.
Sau thời gian triển khai, các cơ quan liên quan cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu phí cùng kiểm tra chất lượng dịch vụ tại các bệnh viện, nhất là những cơ sở được áp dụng mức giá cao. Nếu phát hiện các điểm bất hợp lý, nhất là giá và chất lượng không phù hợp, cần chấn chỉnh kịp thời.
Theo Nhandan
Ý kiến ()