Cần có giải pháp khắc phục
LSO-Đường tỉnh 234 nối từ thị trấn Cao Lộc ra xã biên giới Thanh Lòa. Trên tuyến xưa rất vắng các phương tiện tham gia giao thông bởi nó là đường cụt vào biên giới. Thế nhưng ngay sau khi con đường tiếp tục được nâng cấp, nối thông sang xã Lộc Yên đã tạo điều kiện cho phương tiện tham gia giao thông tăng lên. Phương tiện đông, cộng với xe quá tải đã khiến con đường xuống cấp rất nhanh.
Một đoạn đường trên tỉnh lộ 234 đang xuống cấp |
Trở lại xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, chúng tôi không ngờ con đường tỉnh lộ 234 lại xuống cấp đến mức nhanh như vậy. Mới có 3 tháng nhưng hình hài của nó đã khác hẳn, tuyến đường dài trên 20 km nhưng có đến gần 30 điểm xe lưu thông rất khó khăn. Nhiều đoạn xe quá tải chạy đã làm lớp nhựa đường bong lên dồn thành cục như người ta đào hào rồi hất đất lên ngay miệng hào, đất thừa đấy chính là con đường. Đặc biệt là ở đoạn km 1 đến km 2 đầu tuyến khi mưa các phương tiện tham gia giao thông rất khó di chuyển. Đoạn cuối tuyến có những điểm như km 16, 17 nước sói mặt đường thành từng rãnh khiến nhiều loại phương tiện không thể lưu thông được. Vì là tuyến độc đạo nên người dân các xã Thanh Lòa, Thạch Đạn, Hợp Thành, Lộc Yên vẫn cứ phải lưu thông và họ rất lo vì con đường xuống cấp từng ngày.
Trước đây tỉnh lộ 234 được đánh giá là con đường đẹp. Mặc dù là đường cấp 5 miền núi nhưng so với các đường ra cửa khẩu nó được đánh giá là con đường có tuổi thọ bền nhất. Bền bởi xã biên giới Thanh Lòa không có cửa khẩu nối với nước bạn vì thế hàng hóa xuất qua biên giới chủ yếu là hàng tiểu ngạch tiêu dùng của cư dân hai nước. Nếu có các loại hàng hóa khác thì cũng mang tính nhỏ lẻ và không nhiều xe nên không ảnh hưởng lớn đến các công trình giao thông. Thế nhưng khi tuyến Lộc Yên được nối sang Thanh Lòa lúc này con đường trở thành vòng cung rất thuận tiện cho lưu thông hàng hóa, đặc biệt là chuyên chở vật liệu cho các công trình giao thông, xây dựng nơi biên giới. Mật độ chuyên chở hàng hóa càng dầy lên bao nhiêu thì sức tàn phá đối với con đường càng mạnh bấy nhiêu.
Anh Lộc Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lòa cho biết: các xe chở vật liệu xây dựng, làm đường, trọng tải thường rất lớn vì thế đã phá nát con đường. Khi họp xã cũng có ý kiến nhưng thẩm quyền xử lý vi phạm quá khổ quá tải không thuộc xã nên anh em đành nhìn con đường bị tàn phá. Cho đến thời điểm hiện nay, nhiều đoạn các phương tiện rất khó lưu thông, nếu không có biện pháp bảo vệ, khắc phục ngay thì chỉ vài tháng nữa con đường rất dễ bị tắc cục bộ do xuống cấp. Theo quan sát của chúng tôi, hiện có khá nhiều công trình xây dựng tại khu vực xã Thanh Lòa, Lộc Yên và để xây dựng thì các nhà thầu phải chở vật liệu. Thế nhưng do tuyến nội bộ, đường ra biên giới việc kiểm tra kiểm soát xe quá tải không gắt như các tuyến khác. Vậy nên các nhà thầu chở vật liệu thường quá tải. Nhiều xe muốn chở bao nhiêu thì chở, xã, ngành giao thông chưa có biện pháp xử lý. Khi thị sát trên con đường này, chúng tôi đã chứng kiến có xe chở đá xây dựng ước lên tới 15 khối cho một lần chở. Như vậy ít nhất cả hàng hóa và trọng tải xe lên tới 40 đến 50 tấn. Trong khi đó đối với đường cấp 5 miền núi thì tải trọng cho phép là 10 đến 12 tấn.
Anh Mã Thế Chính, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Lòa tâm sự: “Mọi năm còn thấy cán bộ đến sửa chữa đường, thế nhưng năm nay chưa thấy, chắc họ nghĩ là làm đường mới không phải sửa. Như thế là chưa đúng bởi nếu mới hỏng mà không sửa ngay sẽ càng hỏng, càng tốn kém”. Theo quan sát của chúng tôi, quả thật mức độ xuống cấp của tỉnh lộ 234 quá nhanh, nếu không có biện pháp khắc phục như: cắm biển hạn chế tải trọng, sửa chữa duy tu kịp thời, khơi thông rãnh, chống sạt lở thì chỉ vài tháng nữa hàng chục đoạn ở km 1-2, km 17, km 18 sẽ không thể lưu thông được. Lúc ấy khó có thể sửa chữa nhỏ. Nếu có sự quan tâm ngay từ bây giờ chắc chắn tỉnh lộ 234 sẽ vẫn kéo dài được tuổi thọ của con đường.
Khi tôi đang viết bài báo này thì chính những người dân ở xã Thanh Lòa điện thoại cho biết xe chở vật liệu quá tải vẫn đi lại ngay cả lúc trời mưa làm đường lún sụt hình thành các ổ gà, ổ voi. Nghĩa là con đường vẫn tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng mà ngành chủ quản vẫn chưa có biện pháp ứng phó hữu hiệu.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()