Cần có giải pháp cho cấp học mầm non thành phố
Quá tải trường công, vắng vẻ trường tư
Có con 25 tháng tuổi, tức là đã vào “khung tuyển”, song chị Nguyễn Hồng Th. (phường Chi Lăng) vẫn rất lo lắng. Chỉ khi xem danh sách có tên con mình và được mua hồ sơ, chị mới thở phào nhẹ nhõm. Chị cho biết: “Khi con được vào trường 8/3, gia đình tôi như “trúng số độc đắc”, vui đến mấy ngày”.
Khoảng 4 năm trở lại đây, trong 9 trường MN công lập trên địa bàn thành phố, một số trường đã được mở rộng về quy mô như: Trường MN 8/3, Trường MN Liên Cơ… song do tỷ lệ huy động trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo tăng nên sĩ số học sinh vẫn rất cao. Thống kê năm học 2015-2016 cho thấy: bình quân học sinh của 6 trường khu vực nội thành là 48 học sinh/ nhóm, lớp. Một số trường có sĩ số bình quân rất cao như:TrườngMN 1/6 có 52 học sinh/nhóm, lớp;TrườngMN8/3 có 49,2 học sinh/ nhóm, lớp. Đối với 3 trường ngoại thành là Quảng Lạc, Hoàng Đồng, Mai Pha, sĩ số có giảm hơn, song vẫn ở mức cao như: Mai Pha 49 học sinh/ nhóm lớp, Hoa Hồng (Hoàng Đồng) 42 học sinh/nhóm, lớp và Quảng Lạc 36 học sinh/ nhóm, lớp. Bình quân là như vậy song cá biệt một số trường có nhóm lớp đến 55, 56 học sinh; đặc biệt nhóm lớp 2-3 tuổi ở một số trường lên tới 61 cháu.
Trường Mầm non Đông Kinh với quy mô 18 phòng học, vốn đầu tư 23 tỷ đồng đang được xây dựng
Cô Phạm Bích Hồng, Phó Trưởng phòng GD& ĐT thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm học 2016-2017, UBND thành phố đã chỉ đạo các trường MN công lập trên địa bàn nội thành chỉ xét tuyển các cháu sinh năm 2014 và không xét tuyển học sinh khu vực ngoại thành. Nghiêm ngặt là vậy song tổng số học sinh vẫn tăng 532 cháu so với năm học trước.
Trong khi đó, 5 trường, 5 cơ sở và 10 nhóm trẻ ngoài công lập có quy mô tuyển sinh bằng 2/3 các trường công lập thì luôn rơi vào tình trạng khó tuyển học sinh. Năm học 2015-2016, trừ Trường MN Tuổi Thơ (phường Tam Thanh), các trường và cơ sở còn lại có rất ít học sinh. Đặc biệt là các trường có quy mô khá như: TrườngMN Đông Kinh, MN Tuổi Thần Tiên, MN Hoa Phượng… luôn thiếu học sinh so với công suất thiết kế phòng học.
Nguyên nhân và giải pháp
Dư luận người dân cho rằng, nguyên nhân chính là do sự chênh lệch về học phí quá lớn giữa trường công và trường tư. Từ nguyên nhân này mà sinh ra các hệ lụy như người dân phải nhờ cậy người thân, quen để xin cho con, cháu vào được trường công. Nhiều người tính toán: Bỏ ra 5-6 triệu đồng mà cháu mình vào được trường công vẫn hơn vào trường tư, vì theo mức thu học phí như hiện nay cũng đã tiết kiệm được khoảng 1,8 triệu đồng mỗi năm, chưa kể các khoản đóng góp khác. Bên cạnh đó, trường công có đội ngũ giáo viên được tuyển chọn, có biên chế, hưởng lương và chế độ đầy đủ nên chất lượng giảng dạy tốt hơn, có trách nhiệm hơn. Trường công được trang bị đầy đủ các thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi theo quy định; chương trình học tập “chính quy” nên học sinh phát triển toàn diện hơn.
Yêu cầu của sự phát triển đòi hỏi cần phải có những giải pháp hữu hiệu cho cấp học MN thành phố. Phát biểu tại kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XVI, ngày 29/7/2016, ông Trần Quốc Tuấn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD&ĐT đã nêu một số giải pháp như: xây thêm trường MN, tăng học phí trường công lập… Những giải pháp ấy đang được thực hiện như: tiến hành xây dựng trường MN phường Đông Kinh quy mô 18 phòng học với tổng kinh phí 23 tỷ đồng, dự kiến năm học 2017-2018 sẽ đưa vào sử dụng. Tăng học phí các trường MN nội thành từ 55 ngàn đồng lên 110 ngàn đồng/tháng và từ 22 ngàn đồng lên 35 ngàn đồng/tháng đối với các trường ngoại thành. Tuy vậy, nhiều người cho rằng, cần phải tăng học phí cao hơn – ở mức 150 ngàn đồng/tháng để giảm bớt sự chênh lệch về học phí giữa trường công và trường tư. Bên cạnh đó, cần thực hiện hỗ trợ đội ngũ cán bộ, giáo viên MN ngoài công lập theo Quyết định 60/2011/QĐ-TTg, ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 09, ngày 11/3/2013 giữa Bộ GD&ĐT- Tài Chính- Nội vụ; hỗ trợ về tài liệu giảng dạy cho giáo viên, đồ dùng đồ chơi cho các trường MN ngoài công lập.
Tất cả các giải pháp ấy nhằm nâng cao năng lực trường ngoài công lập, tạo điều kiện cho họ vươn lên để khai thác tiềm năng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhằm san sẻ bớt gánh nặng cho các trường công lập. Mặt khác tạo công bằng trong GD&ĐT, khắc phục tâm lý trọng trường công hơn trường tư.
Ý kiến ()