Cần có cơ chế sớm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cuba
Sáng 14/4 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã đến thăm, làm việc với Đặc khu phát triển Mariel (ZEDM), Trung tâm kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba (CIGB) và các dự án đầu tư của Việt Nam tại ZEDM.
Cùng đi với Phó Thủ tướng có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị-Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam-Cuba, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Đại sứ Việt Nam tại Cuba Lê Quang Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Oscar Perez Oliva.
ZEDM là tổ hợp cơ sở hạ tầng sản xuất và vận tải hậu cần ở trình độ quốc tế, được Chính phủ Cuba đầu tư xây dựng và áp dụng cơ chế khuyến khích đặc biệt nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đặc khu được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2013 và chính thức khánh thành tháng 1/2014, được coi là một trong những khu công nghiệp hiện đại nhất tại Cuba. Đặc khu thu hút các lĩnh vực đầu tư như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, công nghiệp dược phẩm, thực phẩm, viễn thông và công nghệ thông tin…
Chính phủ Cuba đã ban hành Nghị định quy định chế độ ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào Đặc khu như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bán hàng và dịch vụ, thuế sử dụng lao động, thuế xuất khẩu hàng hoá từ Cuba, thuế chuyển lợi nhuận và cổ tức về nước, thuế nhập khẩu trong quá trình đầu tư.
Bà Ana Teresa Igarza, Tổng Giám đốc Đặc khu phát triển Mariel cho biết, hiện nay Đặc khu đã có 64 dự án đầu tư được phê duyệt với tổng mức đầu tư 3,3 tỷ USD, trong đó có 44 dự án đang vận hành. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 2 về số dự án đầu tư tại Đặc khu phát triển Mariel.
Tuy nhiên, do tác động của bao vây cấm vận cũng như hậu quả của đại dịch COVID-19 cùng những điểm nóng xung đột trên thế giới, nền kinh tế Cuba đang gặp khó khăn, tác động trực tiếp đến các hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cuba nói chung và Đặc khu nói riêng.
Trước những khó khăn nêu trên, từ tháng 1/2024, Chính phủ Cuba đưa ra một số chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư, trong đó có việc giảm 50% thuế đối với các mặt hàng sản xuất trong nước, tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư trong Đặc khu với nền kinh tế nội địa để bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguyên liệu trong nội địa và thị trường các nước xung quanh.
CIGB được thành lập từ năm 1986 theo chỉ đạo của Lãnh tụ Fidel Castro sau tuyên bố từ năm 1960 "tương lai của Cuba phải là tương lai của những con người của khoa học".
Trực thuộc Tập đoàn nhà nước công nghệ sinh học và dược phẩm BioCubaFarma, CIGB chuyên nghiên cứu phát triển, sản xuất và kiểm soát chất lượng của các loại thành phẩm sinh học, dược phẩm và vaccine phục vụ hệ thống y tế quốc gia.
Các sản phẩm của CIGB được dùng để điều chế các loại vaccine phòng bệnh viêm gan B, bệnh cúm, sốt xuất huyết, thuốc trị bệnh huyết khối; sản xuất các interferon alpha và gamma để hỗ trợ điều trị viêm gan, ung thư, viêm khớp, dạng thấp…
Đặc biệt, CIGB đã phát triển và sản xuất thành công vaccine phòng COVID-19 Abdala với hệu quả đạt 91,7% sau 3 mũi tiêm, được phê duyệt và sử dụng khẩn cấp từ ngày 9/7/2021 tại Cuba.
CIGB cũng có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ sang các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran… và hiện xuất khẩu dược phẩm sang hơn 40 quốc gia. Với Việt Nam, CIGB đã và đang có quan hệ đối tác với một số công ty dược phẩm Việt Nam trong phân phối sản phẩm và chuyển giao công nghệ.
Việt Nam là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 tại Đặc khu phát triển Mariel với 5 dự án, bao gồm dự án hạ tầng khu công nghiệp ViMariel của Tổng Công ty Viglacera, các dự án năng lượng mặt trời, sản xuất bột giặt và trang bị vệ sinh cá nhân của Tâp đoàn Thái Bình, dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty AgriVMA.
Khu công nghiệp ViMariel, với quy mô 256 ha, là khu công nghiệp đầu tiên và duy nhất do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Cuba đến thời điểm hiện tại. ViMariel cũng là dự án nhượng quyền khai thác có thời hạn đầu tiên của Cuba cho một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Khu công nghiệp có vị trí thuận lợi, cách Thủ đô La Habana chưa đầy 50 km, cách sân bay quốc tế Jose Marti 42 km, cảng nước sâu khoảng 5 km và hệ thống đường sắt quốc gia 3 km.
Các nhà đầu tư Việt Nam đánh giá Cuba là thị trường đầu tư tiềm năng, mong muốn Chính phủ Cuba sớm có các cơ chế, biện pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam tại Đặc khu phát triển Mariel.
Phát biểu tại các cuộc làm việc với Đặc khu phát triển Mariel, CIGB và các nhà đầu tư của Việt Nam, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và chia sẻ với những khó khăn của nền kinh tế Cuba cũng như của các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại Cuba.
Phó Thủ tướng đề nghị hai bên cùng nỗ lực xây dựng cơ chế phù hợp nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư Việt Nam sớm vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất, góp phần đưa quan hệ kinh tế Việt Nam-Cuba phát triển tương xứng với quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Phó Thủ tướng cũng trực tiếp gợi mở những định hướng hợp tác mới giữa hai nước dựa trên thế mạnh của mỗi bên như công nghệ sinh học và sản xuất lương thực; phát huy vai trò của Đặc khu phát triển Mariel trong việc đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Cuba./.
Ý kiến ()