Cần có chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con
Tổng tỷ suất sinh ước thực hiện năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ (giảm 0,05 con/phụ nữ so với năm 2023), không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 là 2,1 con/phụ nữ... Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế ở mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Sáng 27/12, Cục Dân số, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025.
Chưa có nhiều chính sách, mô hình can thiệp, khuyến khích người dân sinh đủ hai con
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết, về các mục tiêu thực hiện theo Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, có một số chỉ tiêu chưa đạt.
Theo đó, tỷ số giới tính của trẻ em mới sinh: ước thực hiện năm 2024 là 112,3 bé trai/100 bé gái, không đạt chỉ tiêu đề ra là 111,2 số bé trai/100 bé gái sinh ra sống.
Tổng tỷ suất sinh ước thực hiện năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ (giảm 0,05 con/phụ nữ so với năm 2023), không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 là 2,1 con/phụ nữ.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), xuống 1,96 con/phụ nữ (2023), và ước năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
Năm 2024, mức sinh tại thành thị (ước 1,67 con/phụ nữ) và nông thôn (ước 2,08 con/phụ nữ) tiếp tục dưới mức sinh thay thế. Trong hai thập kỷ vừa qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đô thị hóa cao.
Mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, mức sinh còn cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn. Trung du và miền núi phía bắc (ước 2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (ước 2,24 con/phụ nữ) vẫn là 2 vùng có mức sinh cao.
Bốn vùng kinh tế-xã hội còn lại có mức sinh chung quanh mức sinh thay thế hoặc mức sinh thấp. Trong đó, Đông Nam Bộ vẫn là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Có 7/9 tỉnh có mức sinh tiếp tục giảm dưới mức sinh thay thế; Có 13/21 tỉnh có mức sinh tiếp tục giảm sâu dưới mức sinh thay thế. Tại các tỉnh mức sinh thấp chưa có nhiều chính sách, mô hình can thiệp, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Có 10/33 tỉnh có mức sinh giảm xuống chung quanh mức sinh thay thế. Tại các tỉnh mức sinh cao, việc hỗ trợ thúc đẩy sử dụng biện pháp tránh thai còn hạn chế, thậm chí một số nơi ngân sách địa phương chỉ bảo đảm miễn phí các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và bảo trợ xã hội.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết, dự báo tỷ lệ tăng dân số sẽ tiếp tục giảm và đạt trạng thái “dừng” vào cuối thời kỳ dự báo, giai đoạn 2064-2069.
"Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054, dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054-2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%/năm, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064-2069) là 0,18%/năm, tương đương giảm bình quân 200 nghìn người mỗi năm", ông Hoàng cho biết.
Ngược lại, nếu mức sinh thay thế vẫn được duy trì ổn định trong suốt thời kỳ dự báo thì đến cuối thời kỳ dự báo, dân số vẫn tăng nhẹ, bình quân mỗi năm giai đoạn 2064-2069, dân số tăng 0,17%, tương đương 200.000 người mỗi năm.
Còn nhiều khó khăn trong công tác dân số
Ông Phạm Vũ Hoàng cho biết, hiện một số địa phương vẫn chưa ban hành đầy đủ văn bản để thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành; tổ chức bộ máy làm công tác dân số chưa ổn định, tiếp tục được kiện toàn và còn nhiều thay đổi. Nguồn lực đầu tư cho dân số, kế hoạch hóa gia đình còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu.
Mức sinh đã giảm dưới mức sinh thay thế 3 năm liên tục và sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới nếu không có biện pháp, giải pháp phù hợp; mất cân bằng giới tính khi mặc dù đã có nhiều giải pháp can thiệp nhưng vẫn còn cao; chưa có giải pháp đồng bộ, toàn diện, hiệu quả để phát huy lợi thế thời kỳ dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; tuổi thọ trung bình đã cao, tuy nhiên năm sống khỏe mạnh thấp.
Tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh thấp chưa có nhiều hoạt động can thiệp tăng sinh. Tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng mức sinh cao, việc hỗ trợ thúc đẩy sử dụng biện pháp tránh thai và tổ chức triển khai chiến dịch còn hạn chế.
Để giải quyết mức sinh thay thế giảm thấp, theo ông Hoàng, giải pháp đưa ra tại Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con), quy mô dân số 104 triệu người.
Giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế.
Thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con. Sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; lồng ghép các yếu tố dân số vào chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, để làm tốt công tác dân số, Cục Dân số cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành dự thảo Luật Dân số để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025) nhằm đưa Nghị quyết 21-NQ/TW đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thứ trưởng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ hai con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số về cả thể chất, trí tuệ và tinh thần.
Năm 2025, Cục Dân số dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sửa đổi, bổ sung Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia.
Ý kiến ()