Cần có chiến lược đầu tư ra nước ngoài
Thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chúng ta không chỉ thu hút FDI, mà còn từng bước đầu tư ra nước ngoài với quy mô ngày càng lớn và chất lượng ngày càng cao hơn. Nhưng hiện nay công việc này còn chưa có tính chiến lược, chưa hội tụ sức mạnh và phát huy lợi thế để tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đặt ra.Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2011, Việt Nam có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đầu tư sang Lào là 3,4 tỷ USD, Cam-pu-chia 2,1 tỷ USD, Vê-nê-xu-ê-la 1,8 tỷ USD, Nga 776 triệu USD, Pê-ru 508 triệu USD, Ma-lai-xi-a 412 triệu USD, Mô-dăm-bích 345 triệu USD... Vốn thực hiện lũy kế đến nay ước đạt khoảng 2,7 tỷ USD.Từ đầu năm 2012 đến nay, con số đó tiếp tục tăng, kể cả về vốn và địa bàn đầu tư, nhưng chủ yếu vẫn là hai đối tác chiến lược...
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2011, Việt Nam có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, đầu tư sang Lào là 3,4 tỷ USD, Cam-pu-chia 2,1 tỷ USD, Vê-nê-xu-ê-la 1,8 tỷ USD, Nga 776 triệu USD, Pê-ru 508 triệu USD, Ma-lai-xi-a 412 triệu USD, Mô-dăm-bích 345 triệu USD… Vốn thực hiện lũy kế đến nay ước đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
Từ đầu năm 2012 đến nay, con số đó tiếp tục tăng, kể cả về vốn và địa bàn đầu tư, nhưng chủ yếu vẫn là hai đối tác chiến lược hàng đầu của nước ta là Lào và Cam-pu-chia.
Đến thời điểm này, Việt Nam có 206 dự án còn hiệu lực theo Giấy chứng nhận đầu tư sang Lào, với tổng vốn đăng ký lên tới 3,5 tỷ USD, đứng thứ nhất trong số gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ mà các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư.
Đứng thứ hai trong đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam là Cam-pu-chia. Đến tháng 6-2012, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 112 dự án đầu tư tại Cam-pu-chia, với tổng vốn đăng ký hơn 2,4 tỷ USD. Nhìn chung các dự án đầu tư của Việt Nam tại Cam-pu-chia triển khai hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực viễn thông, hàng không, ngân hàng, bảo hiểm, lâm nghiệp, nông nghiệp…
Các tập đoàn, doanh nghiệp có nhiều dự án đầu tư ra nước ngoài là các Tập đoàn Dầu khí, Viễn thông Quân đội, Cao-su, Sông Đà, Hoàng Anh Gia Lai, Mai Linh và Công ty cổ phần Đông Dương xanh… Bên cạnh đó là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và cá nhân với tổng số lượng không nhỏ. Đặc biệt, phải kể đến vai trò đắc lực của các ngân hàng mà tiêu biểu là Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) trực thuộc Chính phủ và Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV).
Trên cơ sở những thành công và những hạn chế trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, đã đến lúc cần nhìn lại một cách thấu đáo và đề ra những giải pháp thích hợp để tạo nên bước đột phá mới. Trong giai đoạn hiện nay cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, trong đó quan trọng nhất là đầu tư vào Lào và Cam-pu-chia, kế đến là những thị trường mà ta có ưu thế và nhiều thuận lợi như Mi-an-ma, Cu-ba, một số nước có nhiều Việt kiều, một số nước châu Phi, Mỹ La-tinh.
Để phát triển nhanh, bền vững và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư ra nước ngoài, cần tạo sức mạnh cộng hưởng từ các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan ngoại giao, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài có thiện chí (nhất là những người bạn thủy chung lâu năm, những nhóm nghị sĩ hữu nghị…). Về phía Nhà nước, vừa tiếp tục có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nhiều hơn (tương tự như một số nước đã mở đường cho doanh nghiệp nước họ đầu tư vào nước ta bằng nguồn vốn ODA từ Chính phủ các nước đó và nguồn vốn ODA mà Chính phủ ta giúp Lào). Nâng cao vai trò của cơ quan chuyên trách như một trung tâm kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với Chính phủ và các cơ quan quản lý, các chính quyền địa phương.
Phải xác định, đầu tư ra nước ngoài là hoạt động vừa cần có tính chiến lược trong dài hạn, vừa cần có sự linh hoạt trong ngắn hạn để đạt hiệu quả tối ưu và toàn diện. Bởi vậy, cần một cơ quan làm đầu mối xây dựng chiến lược, tham mưu cho Nhà nước và kết nối các nguồn lực, sức mạnh để hướng tới sự hài hòa giữa thu hút đầu tư nước ngoài vào nước ta với đầu tư của nước ta ra nước ngoài, trên cơ sở đó thực hiện được yêu cầu đưa nền kinh tế nước ta tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư ra nước ngoài, nhất là hai nước láng giềng có truyền thống hữu nghị mật thiết lâu đời là Lào và Cam-pu-chia, sẽ góp phần nâng cao GDP của nước bạn, vừa đóng góp đắc lực vào sự phát triển toàn diện kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng, văn hóa – giáo dục… của ba nước, của khu vực ASEAN và những địa bàn khác trên thế giới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()