Cần có chế tài đủ mạnh
LSO- Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định, BHYT học sinh – sinh viên (HSSV) là hình thức bắt buộc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV không tham gia BHYT. Vì vậy, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương trong tỉnh.
Học sinh có thẻ BHYT được điều trị, chăm sóc
tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Thực trạng khó khăn
Đầu tháng 9/2019, các trường học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức họp phụ huynh học sinh đầu năm học mới để giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình cụ thể của trường, lớp cũng như dự kiến các khoản thu đầu năm học, trong đó có BHYT và bảo hiểm thân thể. Chị N.T.P – phụ huynh học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Đầu năm học, bé lớn nhà tôi nếu đóng tất cả các khoản hết khoảng 2,7 triệu đồng, chưa kể bé thứ hai cũng hơn 2 triệu nữa. Vì vậy, gia đình đang cân nhắc việc mua 2 loại BHYT và bảo hiểm thân thể vì 2 khoản đó cũng gần 700 ngàn đồng. Trong khi đó, bé nhà tôi từ nhỏ đến lớn cũng ít khi ốm và phải đi viện.
Ý kiến của chị N.T.P cũng là băn khoăn và gánh nặng của nhiều gia đình đầu năm học mới. Chính vì vậy, việc tham gia BHYT cho con cũng là vấn đề khó khăn của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có đông con đi học hoặc gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Trên thực tế, năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh vẫn còn 62 học sinh chưa tham gia BHYT, tập trung ở một số trường như: THPT Ngô Thì Sỹ (thành phố Lạng Sơn) 8 học sinh; Tiểu học và THCS xã Chiến Thắng (Bắc Sơn) 19 học sinh; THCS xã Quan Sơn (Chi Lăng) 6 học sinh; Tiểu học xã Bắc Thủy (Chi Lăng) 5 học sinh; THCS xã Vạn Linh (Chi Lăng) 5 học sinh; THCS thị trấn Chi Lăng (Chi Lăng) 4 học sinh….
Bà Hoàng Thị Thu Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Trong năm học qua, nhà trường còn một số học sinh chưa tham gia BHYT, nguyên nhân chính là điều kiện kinh tế các gia đình khó khăn, nhà trường đã phối hợp với các trưởng thôn trên địa bàn tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn còn 19 em chưa tham gia BHYT.
Trong năm học 2018 – 2019, trong số 62 học sinh chưa tham gia BHYT thì huyện Chi Lăng có đến 34 em, tại 13/48 trường trên địa bàn. Qua tìm hiểu nguyên nhân, một số học sinh chưa tham gia BHYT phần lớn là người dân tộc thiểu số thuộc các xã vừa thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vì vậy, họ chưa có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo nhà trường. Mặt khác, một bộ phận phụ huynh và HSSV cho rằng, họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT. Ngoài ra, mức đóng BHYT HSSV hằng năm tăng theo mức lương cơ sở được điều chỉnh cũng gây khó khăn cho những gia đình nghèo, đông con đi học.
Tìm giải pháp tháo gỡ
Trước thực trạng trên, làm thế nào để BHYT HSSV đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia là vấn đề trăn trở của ngành BHXH và giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).
Ông Đồng Duy Sơn, Phó Giám đốc BHXH Chi Lăng cho biết: Từ kết quả thực hiện BHYT HSSV trên địa bàn huyện trong năm học qua, ngay sau khai giảng năm học mới 2019 – 2020, BHXH huyện đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện đề nghị các nhà trường rà soát danh sách cũng như tuyên truyền thực hiện BHYT đến các phụ huynh, HSSV. Cùng với đó, chúng tôi đề ra một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng HSSV chưa tham gia BHYT. Trong đó, xác định sự chủ động trong tuyên truyền vẫn là ở các nhà trường. Với những trường hợp sau tuyên truyền rồi mà vẫn khó khăn, vướng mắc không tham gia BHYT sẽ xem xét, tìm cách giải quyết cụ thể với phương châm phấn đấu 100% HSSV trên địa bàn đều tham gia BHYT.
Bà Nguyễn Hồng Thịnh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Ngành BHXH đang đề xuất các cơ sở giáo dục thực hiện thu BHYT HSSV bảo đảm theo đúng quy định. Đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 sẽ thu BHYT HSSV của những tháng còn lại trong năm 2019. Đối với HSSV đã thực hiện thu theo năm tài chính, tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2019. Cơ sở giáo dục thu tiền đóng của HSSV theo phương thức linh hoạt ba tháng/sáu tháng/một năm một lần. Chỉ thực hiện thu BHYT một lần năm 2020 nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
Cũng theo bà Thịnh, BHXH Việt Nam đang đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% đến 50%; đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh (KCB) BHYT nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB; kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ sở KCB thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế, chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT và hạn chế thu thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT. Có như vậy mới khuyến khích được người dân tham gia BHYT, trong đó có HSSV.
Cùng với ngành BHXH thì ngành GD&ĐT cũng có những giải pháp cụ thể. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh rộng rãi hơn thông qua các tổ chức: đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên tiền phong. Đặc biệt, nhấn mạnh việc thực hiện BHYT không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm công dân của mỗi HSSV mà còn thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của những chủ nhân tương lai của đất nước.
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Do chưa có chế tài xử lý nên ngành đưa ra một số quy định trong việc thực hiện công tác BHYT HSSV. Trong đó, tiếp tục đưa chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV vào đánh giá, xếp loại thi đua hằng năm đối với nhà trường cũng như HSSV.
Những giải pháp trên đây của ngành BHXH và GD&ĐT chỉ là tạm thời, về lâu dài vẫn cần có những quy định xử lý cụ thể, đồng bộ thống nhất từ trung ương đến địa phương, phấn đấu đạt chỉ tiêu 100% HSSV có thẻ BHYT, hướng đến đạt mục tiêu BHYT toàn dân trong thời gian tới.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()