Cần cơ chế đột phá để tạo sức bật cho ngành năng lượng
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư Nhà nước cho các dự án điện còn hạn chế, việc mở ra cơ chế, ưu đãi cho khối tư nhân tham gia đầu tư được xem là sẽ tạo ra sức bật cho ngành năng lượng.
Tính đến tháng 7/2020, Ninh Thuận đã có 23 dự án điện mặt trời được đưa vào vận hành với tổng công suất khoảng 1.400MW.
Từ nay tới năm 2025, Việt Nam cần huy động thêm khoảng 5.000 MW điện/năm, tương đương khoảng 7-10 tỷ USD/năm vốn đầu tư các dự án nguồn điện, chưa kể các dự án truyền tải.
Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư Nhà nước cho các dự án điện còn hạn chế, việc mở ra cơ chế, ưu đãi cho khối tư nhân tham gia đầu tư được xem là sẽ tạo ra sức bật cho ngành năng lượng. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó giải.
Phóng viên TTXVN xin trích lược ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để bạn đọc có cái nhiều chiều hơn về vấn đề này.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bến Tre
Tỉnh Bến Tre có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng sạch. Hiện nay, tại Bến Tre các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió phát triển khá nóng dẫn đến việc hạ tầng lưới điện không đáp ứng đủ để giải phóng công suất các nhà máy này.
Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 795/TTg-CN ngày 25/6/2020 và văn bản số 911/TTg-CN ngày 15/7/2020 về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực. Theo đó, tỉnh Bến Tre được phê duyệt 13 dự án với tổng công suất 828 MW.
Tuy nhiên, với hạ tầng lưới điện hiện hữu sẽ khó có thể truyền tải được công suất các nhà máy lên lưới điện quốc gia. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tính khả thi khi xem xét phê duyệt các dự án còn lại mà còn gây áp lực lên lưới điện, đặc biệt là sự phát triển quá nóng các dự án năng lượng dễ dẫn đến phát triển manh mún trong quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch kinh tế – xã hội khác.
Ngoài ra, do vướng quy định của Luật Quy hoạch nên việc thẩm định, phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với các dự án năng lượng bị tạm ngưng hơn 1 năm. Đến khi được phê duyệt đồng loạt thì lưới điện truyền tải của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không kịp phát triển để đáp ứng.
Theo phương án đấu nối điện gió tại Quyết định 2497/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bến Tre giai đoạn đến 2020, tầm nhìn đến 2030, có quy định việc đấu nối chung đường dây giai đoạn 1 đến năm 2020 nhưng chưa đề cập đến giai đoạn sau.
Trong khi đó, đa số các dự án đều đề xuất nâng quy mô công suất giai đoạn sau nên việc đi chung đường dây bắt đầu phát sinh tranh chấp. Do thời gian tháo gỡ vướng mắc của Luật Quy hoạch kéo dài nên phương án đấu nối một vài dự án được phê duyệt không còn đảm bảo tính khả thi, thậm chí khác biệt so với đề xuất ban đầu.
Vì vậy, hiện nay, đa số các dự án vẫn phụ thuộc vào tiến độ các công trình của EVN đầu tư. Các dự án năng lượng tái tạo phát triển khá nhanh khi lưới điện truyền tải của EVN chưa đáp ứng đủ. Do đó cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng, bài bản giữa công suất nguồn với phụ tải và lưới để từ đó đề xuất cơ chế đấu nối chung của các dự án trên cùng một địa bàn.
Mặt khác, do chưa có cơ chế cho tư nhân tham gia xây dựng lưới truyền tải nên chưa huy động hết các nguồn lực trong đầu tư phát triển năng lượng.
Để khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đề xuất thi công các hạng mục của EVN để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện. Các nhà đầu tư cũng có thể đề xuất một số cơ chế ưu tiên để tham gia đầu tư hiệu quả.
Ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng tái tạo BIM Energy, thành viên Tập đoàn BIM Group
Những định hướng, chính sách Nhà nước hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thời gian qua như Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam; Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (Quyết định 39) sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam rất là tốt. Trong 2 năm qua, các chính sách này đã mang đến sự đột phá cho ngành năng lượng trong nước.
Thời điểm hiện tại, Chính phủ nên tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi đó cùng với Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở cho doanh nghiệp phát triển. Những chính sách tiếp theo sẽ gần với thực tiễn hơn, có thể thay đổi để phù hợp với tình hình hiện tại.
Có thể kể đến như, Chính phủ chỉ đạo nên tiếp tục bổ sung các dự án vào quy hoạch, đẩy nhanh quá trình xây dựng quy hoạch điện VIII với trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo.
Về giá, cần có thêm chính sách ưu đãi giá với các dự án điện gió sau thời hạn năm 2021 như trong Quyết định 39. Với điện mặt trời, Chính phủ xây dựng những chính sách cụ thể về đấu thầu, phát triển hợp đồng trực tiếp mua bán.
Hiện giá bán điện từ các dự án điện sạch là đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Việc đầu tư điện sạch, yếu tố giá chỉ là một phần, trong khi phần lớn phụ thuộc vào tiềm năng khu vực.
Do vậy, điều quan trọng hơn là một chính sách ổn định, định hướng rõ ràng và phù hợp thực tế. Chúng tôi mong muốn một cơ chế rõ ràng để dựa trên cơ sở đấy có những đối sách, chương trình chiến lược phù hợp.
Theo Quyết định số 39, thời hạn ưu đãi giá điện gió tháng 11/2021 đã gần kề, chúng tôi đã chuẩn bị tất cả về tài chính, đất đai, con người… Chỉ chờ hiệu lệnh của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt cho chúng tôi bổ sung quy hoạch. Chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng hạn, đảm bảo chất lượng và đóng góp vào phát triển chung của đất nước.
Về hệ thống truyền tải, thời gian qua, EVN cũng đã có những chính sách phát triển rất căn cơ, đầu tư vào các đường dây 110 kV, 220 kV, các trạm biến áp 220 kV rất nhiều, đồng thời khối tư nhân tích cực đầu tư vào hạ tầng truyền tải.
Hiện tình hình về giải tỏa công suất các dự án đã được cải thiện rất nhiều. Trong tương lai, với cơ chế, chính sách phù hợp, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào phần nguồn và hạ tầng, lưới điện.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Phó chủ tịch Ủy ban Phát triển năng lượng Tập đoàn Hà Đô
Năng lượng tái tạo là một mảng chúng tôi nghiên cứu rất trọng tâm và triển khai nghiên cứu đầu tư tại nhiều tỉnh, thành phố. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi khi đầu tư là có giải tỏa được công suất dự án không? Chỗ nào chưa giải tỏa được, chúng tôi sẽ cùng tỉnh, EVN để tìm giải pháp; thậm chí chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư đường truyền tải khi cơ chế chính sách cho phép, miễn là có lợi nhuận.
Riêng về quản lý vận hành đường truyền tải, vẫn nên để EVN quản lý vì đây là vấn đề liên quan đến an ninh năng lượng.
Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Hiện nay có tình trạng Việt Nam sản xuất ra điện nhưng vì đường dây truyền tải điện có sự hạn chế nên không phát hết công suất các dự án. Một bên phải dựa vào đầu tư của Nhà nước để phát triển, một bên là đầu tư sản xuất điện của khu vực tư nhân. Hai khối này chưa có sự đồng bộ về tốc độ phát triển nên đã có những điểm nghẽn trong giải tỏa công suất.
Giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có đột phá từ cơ chế, chính sách. Làm thế nào cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển mạng lưới truyền tải điện? Tôi nghĩ phải có thiết kế cụ thể về mặt thể chế, chính sách, về cơ chế khuyến khích để làm sao khuyến khích khu vực tư nhân.
Tất nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo an ninh năng lượng, đường truyền tải điện thuộc về an ninh quốc gia, nên cần phải có tính toán. Đây là bài toán lớn và cần phải có đầu tư, nghiên cứu đưa ra được cơ chế, chính sách phù hợp.
Bởi nếu chỉ dựa vào ngân sách nhà nước, dựa vào một, hai đơn vị để phát triển hệ thống đường truyền tải điện sẽ không chỉ hạn chế về nguồn vốn, mà còn hạn chế về các quy định về đấu thầu, giải phóng mặt bằng, đền bù, quy trình đó sẽ làm chậm tiến độ.
Chúng ta bắt buộc phải có cơ chế đột phá, tự do hóa một phần để khu vực tư nhân nhanh chóng tham gia vào. Nhiều nhà đầu tư rất mong chờ cơ chế, chính sách thuận lợi, dài hơi./.
Ý kiến ()