Cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho cô đỡ thôn, bản
Từ khi có cô đỡ thôn bản, các bà mẹ, trẻ sơ sinh ở bản Sang Sú, xã Hừa Ngài (Mường Chà, Điện Biên) được hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc kịp thời. Mô hình cô đỡ thôn, bản (CĐTB) ra đời đã từng bước khắc phục được những hạn chế về thiếu nguồn nhân lực, giao thông đi lại khó khăn, ngôn ngữ bất đồng, tập tục của người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, hiện nay chế độ đãi ngộ còn thấp, chưa đủ để CĐTB an tâm với công việc của mình.Năm 2004, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), triển khai Chương trình đào tạo 500 CĐTB là người dân tộc thiểu số cho một số tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đối tượng tham gia khóa đào tạo là những phụ nữ người dân tộc thiểu số được chọn từ chính các thôn, bản, với thời gian đào tạo là sáu tháng. Nội dung đào tạo, chủ yếu tập trung vào chăm sóc trước, trong và sau đẻ cho phụ nữ có...
![]() Từ khi có cô đỡ thôn bản, các bà mẹ, trẻ sơ sinh ở bản Sang Sú, xã Hừa Ngài (Mường Chà, Điện Biên) được hướng dẫn, hỗ trợ chăm sóc kịp thời. |
Năm 2004, Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), triển khai Chương trình đào tạo 500 CĐTB là người dân tộc thiểu số cho một số tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đối tượng tham gia khóa đào tạo là những phụ nữ người dân tộc thiểu số được chọn từ chính các thôn, bản, với thời gian đào tạo là sáu tháng. Nội dung đào tạo, chủ yếu tập trung vào chăm sóc trước, trong và sau đẻ cho phụ nữ có thai, công tác kế hoạch hóa gia đình, truyền thông giáo dục sức khỏe… Phương pháp đào tạo, chủ yếu là cầm tay chỉ việc và tập trung vào kỹ năng thực hành là chính. Năm 2008, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số LHQ, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế) phối hợp Bệnh viện Từ Dũ thử nghiệm “Mô hình cô đỡ thôn, bản người dân tộc thiểu số” tại ba tỉnh là: Hà Giang, Ninh Thuận và Kon Tum. Các cô đỡ cũng được lựa chọn từ các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số, được đào tạo thành “người đỡ đẻ có chuyên môn”, có những kỹ năng về sản khoa, khả năng xử trí ban đầu các tai biến sản khoa và sơ sinh. Với những kết quả thu được từ các mô hình nêu trên, thời gian qua chúng ta tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quốc tế triển khai ở một số tỉnh thuộc khu vực miền trung, miền núi phía bắc. Và hiện nay, chương trình này đã đào tạo được gần 1.200 CĐTB và đang hoạt động tại hơn 20 tỉnh trong cả nước.
Sau khi được đào tạo, nhiệm vụ chính của các CĐTB tại cộng đồng là: Phát hiện, thuyết phục phụ nữ có thai trong thôn, bản đi khám thai; quản lý thai và sinh tại cơ sở y tế; các trường hợp đẻ thường, mặc dù đã vận động đến sinh tại cơ sở y tế nhưng vẫn quyết định đẻ tại nhà thì thực hiện đẻ an toàn, đỡ đẻ sạch, xử trí ban đầu các biến chứng sau đẻ; chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ, hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ. CĐTB cũng tham gia tuyên truyền, giáo dục về việc chia sẻ và hỗ trợ các phụ nữ, các thành viên trong gia đình và cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ sơ sinh trong giai đoạn có thai, sinh con và sau sinh… Qua đánh giá, khảo sát tại các địa phương cho thấy: Mô hình CĐTB, được cộng đồng đánh giá cao và được người dân chấp nhận do sự thuận tiện, gần gũi, đáp ứng được yếu tố phong tục, tập quán và văn hóa của từng dân tộc khác nhau. Bên cạnh việc giúp người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, CĐTB đã từng bước làm thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi chăm sóc sức khỏe sinh sản của cộng đồng, nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đáng chú ý, tại các thôn, bản có CĐTB, các chỉ số cơ bản như: tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý, tỷ lệ khám thai, khám thai đủ ba lần, tỷ lệ đẻ tại các cơ sở y tế, đẻ tại nhà có cô đỡ…, đã cao hơn rất nhiều so với trước khi có CĐTB hoạt động. Nhiều trường hợp thai nghén có nguy cơ đã được các CĐTB phát hiện, chuyển tuyến kịp thời cho nên tránh được các tai biến sản khoa và đã có nhiều ca chết mẹ, chết trẻ sơ sinh phòng tránh được ở các thôn, bản thuộc khu vực xa xôi, hẻo lánh.
Chiến lược quốc gia về Dân số – Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: Coi CĐTB là một giải pháp về nhân lực y tế tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm giúp Việt Nam đạt được mục tiêu thiên niên kỷ thứ năm về giảm tỷ lệ tử vong mẹ. Đồng thời, giảm sự khác biệt vùng miền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, cũng như đáp ứng các yếu tố văn hóa trong dịch vụ làm mẹ an toàn nói riêng và sức khỏe sinh sản nói chung. Trong khi đó, theo báo cáo của các trạm y tế xã trong cả nước, hiện có khoảng hơn 12 nghìn thôn, bản vùng khó khăn cần có CĐTB đã qua đào tạo. Để duy trì tính bền vững, tiếp tục nhân rộng mô hình CĐTB trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường đào tạo, rà soát chuẩn hóa chương trình, nội dung, tài liệu đào tạo để thống nhất áp dụng trong phạm vi của cả nước, các đơn vị liên quan cần phải thực hiện việc sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách cho CĐTB, để đội ngũ này được công nhận một chức danh như đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản và được hưởng chế độ phụ cấp như nhân viên y tế thôn, bản. Vì hiện nay, chế độ thù lao cho đội ngũ CĐTB là rất thấp, chỉ có 50 nghìn đồng/tháng (tuy nhiên, chỉ các tỉnh có Chương trình mục tiêu quốc gia mới được phép chi kinh phí này). Do vậy, ở một số địa phương có tình trạng các CĐTB bỏ nghề, hay chưa thật sự an tâm với công việc mình đang làm.
Theo Nhandan
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()