Cần cơ chế để xây dựng vùng chuyên canh cây dược liệu
(LSO) – Lạng Sơn có điều kiện đất đai khí hậu phù hợp với cây dược liệu. Hiện nay, việc trồng và canh tác cây dược liệu trên địa bàn tỉnh chủ yếu được thực hiện ở quy mô hộ gia đình, vì vậy cần có cơ chế, chính sách phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa.
Mỗi năm, cả nước cần khoảng 60.000 tấn dược liệu, trong đó, nguồn cung ứng trong nước mới chỉ đạt khoảng 15.600 tấn, còn lại khoảng 70% phải nhập từ các quốc gia khác, chủ yếu là từ Trung Quốc. Đáng nói là nhiều loại không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm định về chất lượng cũng như quy trình sản xuất dẫn đến tác dụng dược liệu bị ảnh hưởng. Tỉnh Lạng Sơn là khu vực có nhiều cây dược liệu quý, tuy nhiên, do khai thác quá mức và không có sự đầu tư phát triển dẫn đến nguồn dược liệu ngày càng cạn kiệt.
Trong định hướng phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam đến năm 2030, “nước ta phấn đấu sản xuất 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước; thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó, thuốc từ dược liệu chiếm 30%”.
Cán bộ Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra vườn ươm giống đẳng sâm
Bám sát mục tiêu phát triển nguồn dược liệu, thời gian qua, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã nghiên cứu, thử nghiệm trồng và nhân giống thành công một số giống cây dược liệu cho giá trị cao như: trà hoa vàng, lan kim tuyến, lan thạch hộc, bảy lá một hoa… Trước đó, người dân nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đã trồng một số loại dược liệu như: ba kích, sa nhân, cà gai leo… cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cho thấy có thể xây dựng vùng sản xuất dược liệu tại Lạng Sơn. Từ thực tế này, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng chủ động nghiên cứu, phát triển các cây dược liệu nhằm phổ biến, nhân rộng cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Hiện Trung tâm chưa có nguồn kinh phí để nghiên cứu phát triển cây dược liệu. Thời gian qua, kinh phí được cấp theo nhiệm vụ cụ thể như: nhân giống 2.000 gốc trà hoa vàng và triển khai trồng thí điểm tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh, được cấp khoảng 100 triệu đồng; 1 tỷ đồng để phát triển mô hình trồng lan kim tuyến; 3 tỷ đồng từ nguồn phát triển nông thôn miền núi của trung ương để xây dựng mô hình trồng cây dược liệu bảy lá một hoa trên diện tích 5 ha tại Mẫu Sơn. Vì vậy, trung tâm không có nguồn để nghiên cứu, thử nghiệm những dược liệu khác. Các loại dược liệu đang nghiên cứu như: đẳng sâm, cát sâm, hà thủ ô đỏ, lan thạch hộc, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo… là do trung tâm phối hợp với một số doanh nghiệp thực hiện song cũng chỉ dừng lại ở việc cung cấp nguồn giống.
Bà Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho biết: Trung tâm đã nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều loại dược liệu quý tại một số khu vực có điều kiện phù hợp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để phát triển các cây dược liệu cũng như xây dựng thành vùng sản xuất thì rất cần có sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền. Cần nhất hiện nay là quy hoạch phát triển vùng sản xuất dược liệu, có như vậy mới có thể kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần có nguồn kinh phí để chúng tôi nghiên cứu, thử nghiệm, đưa ra danh sách những giống, loại dược liệu phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của tỉnh. Đặc biệt, cần xây dựng vùng sản xuất giống đảm bảo uy tín, chất lượng nhằm hạn chế rủi ro cho người sản xuất.
Năm 2018, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đề xuất với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh xây dựng vùng sản xuất tại các xã nông thôn mới của tỉnh với tổng diện tích 20 ha. Trên diện tích này có thể trồng xen các loại cây ngắn ngày và dài ngày để nông dân lấy ngắn nuôi dài, có thu nhập ngay từ năm đầu tiên. Cùng đó, trung tâm đưa ra hướng phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu theo chuỗi giá trị với sự tham gia của cả người dân, doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu khoa học. Trong đó, nông dân đối ứng đất sản xuất, công chăm sóc, trung tâm hỗ trợ vật liệu, giống và kỹ thuật, 1/3 kinh phí còn lại huy động từ doanh nghiệp. Theo nghiên cứu, cây dược liệu càng được chăm sóc thì dược tính càng giảm, do đó, nông dân chỉ cần hỗ trợ trong năm đầu tiên, khi cây đã sinh trưởng ổn định thì chỉ cần theo dõi và phòng bệnh đến khi được thu hoạch.
Sự chủ động của Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng là vậy, song để xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa thì cần hơn nữa sự quan tâm, tạo điều kiện từ các cấp, các ngành.
Ý kiến ()