Cần cơ chế đặc thù để phục hồi kinh tế
Đúng một năm trước, ngày 1-4-2020, lệnh cách ly toàn xã hội được Chính phủ ban hành để phòng, chống dịch Covid-19. Là quốc gia ứng phó hiệu quả với đại dịch nhưng kinh tế Việt Nam cũng không thể tránh khỏi sự tác động nặng nề: 101 nghìn doanh nghiệp (DN) phá sản, ngừng hoạt động; 32,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực; tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong một thập kỷ… Kinh nghiệm thành công của năm qua là điểm tựa cho Việt Nam trong “cuộc chiến” còn tiếp tục kéo dài song cũng đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh chính sách linh hoạt để phù hợp với tình hình mới.
Cơ hội từ “hộ chiếu vaccine”
Khi việc triển khai tiêm chủng đang gia tăng trên khắp thế giới, nhiều quốc gia bắt đầu tính đến khả năng triển khai “hộ chiếu vaccine” nhằm hỗ trợ cho việc đi lại và nhu cầu du lịch của các công dân được tiêm chủng.
Tại Việt Nam, một số tổ chức nghề nghiệp và chuyên gia kinh tế đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu khả năng này. Trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương diễn ra ngày 17-3, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, Tổ Tư vấn đề nghị thực hiện ngay chính sách “hộ chiếu vaccine” để những người có chứng nhận tiêm chủng được nhập cảnh vào Việt Nam.
Quyết định này thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Nếu triển khai được từ tháng 5-2021, sẽ bắt kịp mùa du lịch cao điểm hè và kéo dài đến mùa Noel, đem lại khả năng phục hồi 80% doanh số cho ngành du lịch.
Thế giới đã hình thành nền kinh tế vaccine. Nhiều quốc gia đang dần thay đổi nhận thức về dịch Covid-19 và dự báo với sự phát triển nhanh của vaccine, nhiều nước sẽ miễn dịch cộng đồng và có thể mở cửa trở lại vào quý III-2021. Sức mua của thị trường thế giới bắt đầu tăng trở lại.
“Nếu Việt Nam không thay đổi sẽ rất khó khăn. Du lịch hai tháng đầu năm giảm 99% so cùng kỳ năm 2020. Các quốc gia trong khu vực đã có kế hoạch mở cửa rất cụ thể, Việt Nam cần phải sớm xây dựng các phương án để tùy theo tình hình có thể triển khai ngay. Nếu không kịp hành động, chúng ta rất có thể mất tiếp một mùa du lịch”, TS Kiên nhấn mạnh.
Theo Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, du lịch đóng góp hơn 10% GDP và sử dụng một lực lượng lao động rất lớn, tạo ra doanh thu hơn 30 tỷ USD/năm.
Quan trọng hơn, du lịch gồm một chuỗi ngành và dịch vụ đi kèm, tạo việc làm cho hàng triệu lao động nên ngành này đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng vào thực hiện kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế năm 2021. Nếu tiếp tục thêm một năm thất thu, ngành du lịch rất khó để phục hồi.
Hiện Việt Nam bắt đầu tổ chức tiêm phòng Covid-19 diện rộng bằng lô vaccine nhập khẩu. Theo TS Nguyễn Đức Kiên, vaccine vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề chính trị mà Việt Nam khó có thể mua đủ 150 triệu liều để tiêm phòng rộng rãi cho toàn dân (mỗi người tiêm hai mũi).
Vì vậy, cần phải ưu tiên hàng đầu cho việc đẩy nhanh tiến độ tự sản xuất vaccine. Trong đó có chính sách Nhà nước bỏ tiền mua vaccine “made in Việt Nam” theo cơ chế phù hợp để khuyến khích quá trình này.
Ngân sách eo hẹp, hỗ trợ bằng cơ chế
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phân tích: Đợt bùng phát dịch tại Hải Dương vừa qua cho thấy, dịch Covid-19 vẫn còn “phủ bóng” lên toàn xã hội, gây tổn thất về kinh tế rất lớn và tác động lâu dài đến người dân, đặc biệt là nông dân và người yếu thế.
Trong cuộc chiến dai dẳng này, DN cũng chịu nhiều tổn thất và sức chống chịu kiên cường của cộng đồng DN đang đứng trước những giới hạn: 90% DN bị tác động nặng nề với nhiều hệ luỵ như giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng; mất cân bằng về dòng tiền; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; nhiều DN phải cho lao động nghỉ việc. DN quy mô nhỏ và DN mới gia nhập thị trường trong vòng ba năm là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất do chưa có đủ thời gian tích lũy nền tảng và tài chính.
Bên cạnh những giải pháp trước mắt đã được Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.
Cụ thể, tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi. Cùng với đó, cần phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa DN trong nước với người tiêu dùng để hình thành các chuỗi cung ứng Việt.
Đặc biệt, cộng đồng DN Việt Nam kiến nghị. đẩy mạnh hiệu quả xây dựng hệ thống pháp luật và thực thi tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Vì vậy, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, gói hỗ trợ tiếp theo cho người dân và DN đang tiếp tục được thảo luận. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo đánh giá tác động về ngành nào thiệt hại nặng nề nhất do dịch Covid-19 để làm căn cứ đưa ra trọng tâm hỗ trợ chính sách.
Vấn đề đặt ra là phải hỗ trợ thế nào trong khi ngân sách có hạn, quản lý công dân và quản lý DN còn nhiều hạn chế, không thể đem lại khả năng thực thi có thể đúng và trúng 100% đến đối tượng được thụ hưởng, làm giảm tính hiệu quả của chính sách.
Ngân sách eo hẹp, hỗ trợ bằng cơ chế là rất quan trọng. Hoàn cảnh đặc thù đòi hỏi phải có chính sách đặc thù mới có thể mang lại hiệu quả cao nhất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cập nhật thông tin để xây dựng các kịch bản hỗ trợ người dân và DN cũng như phục hồi kinh tế, trình Quốc hội thông qua.
Ý kiến ()