Cần cơ chế đặc thù cho thương mại biên giới
Mặc dù đã mang lại những hiệu quả cao cho nền kinh tế nhưng hoạt động thương mại biên giới vẫn cần những cơ chế đặc thù hơn nữa để phát huy cao nhất lợi thế không nhỏ của các tỉnh thuộc khu vực này.
– Mặc dù đã mang lại những hiệu quả cao cho nền kinh tế nhưng hoạt động thương mại biên giới vẫn cần những cơ chế đặc thù hơn nữa để phát huy cao nhất lợi thế không nhỏ của các tỉnh thuộc khu vực này.
Hiệu quả cao
Ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Công Thương – Trưởng ban chỉ đạo Thương mại biên giới cho biết, trong những năm qua, thương mại biên giới giữa nước ta với các nước có chung đường biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, giúp mang lại nguồn thu cho ngân sách, cải thiện đời sống của người dân các địa phương có đường biên giới. Theo thống kê của Ban chỉ đạo Thương mại biên giới các tỉnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới giai đoạn từ năm 2008 đến hết chín tháng đầu năm 2013 đạt 72 tỷ USD, tăng bình quân hơn 10%/năm. Riêng năm 2012, kim ngạch thương mại của khu vực này đạt 13,1 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2008 và chiếm hơn 5% tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta gồm hoa quả tươi, cao su, sản phẩm nông sản, thủy sản, gỗ… Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm máy móc, thiết bị thủy điện vừa và nhỏ, hóa chất, than cốc…
Kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới luôn chiếm tỷ trọng lớn so với tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và ba nước có chung biên giới. Điển hình là tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, kim ngạch xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa qua biên giới chiếm tỷ trọng trung bình 30% tổng kim ngạch thương mại song phương.
Về phía các địa phương, hoạt động thương mại biên giới cũng mang lại lợi ích không nhỏ cho các địa phương. Ông Trần Văn Bình – Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn – Trưởng ban chỉ đạo Thương mại biên giới tỉnh Lạng Sơn cho biết, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới của tỉnh Lạng Sơn có mức tăng đều sau mỗi năm, mang lại nguồn thu lớn cho tỉnh. Cụ thể, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới của Lạng Sơn đạt 2,2 tỷ USD. Năm 2013, mức kim ngạch này dự kiến đạt 2,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, thu thuế xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trong năm 2013 dự kiến đạt hơn 2.300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên giới còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các xã, huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. “Một thanh niên làm bốc vác tại các chợ cửa khẩu biên giới Lạng Sơn hiện nay có thể thu nhập đến mười triệu đồng/tháng. Còn phụ nữ làm việc này tại các chợ có thể thu nhập đến sáu triệu đồng/người/tháng” – ông Bình cho hay.
Ông Đàm Văn Bông – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết thêm, thị trường Trung Quốc là đối tác chủ yếu trong hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh. Chín tháng đầu năm 2013, kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu Hà Giang – Trung Quốc đạt 287 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại biên giới không chỉ mang lại lợi nhuận cho địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, củng cố an ninh quốc phòng khu vực biên giới.
Cùng với sự phát triển của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác kinh tế – thương mại với các nước có chung biên giới, hoạt động thương mại biên giới đã và đang góp phần hoàn thành mục tiêu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc lên 60 tỷ USD, Việt Nam – Lào lên hai tỷ USD và Việt Nam – Campuchia lên năm tỷ USD vào năm 2015.
Cần cơ chế đặc thù
Không thể phủ nhận những hiệu quả lớn mà hoạt động thương mại biên giới mang lại, tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, cần cơ chế đặc thù hơn nữa để phát huy tối đa hiệu quả của khu vực có vị trí đặc biệt này.
Cụ thể, ông Lý Hải Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, cần cơ chế đặc thù cho hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới khác với các loại hàng hóa xuất khẩu nói chung bởi sự đòi hỏi chất lượng hàng hóa của các thị trường rất khác nhau. Đơn cử như mặt hàng tôm, khi xuất khẩu sang Nhật Bản cần chất lượng cao nhưng khi xuất khẩu sang Trung Quốc – một trong những thị trường lớn khu vực biên giới thì chất lượng chỉ cần ở mức độ vừa phải. Do đó, cần linh hoạt hơn ở khâu này để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo Thông tư số 13/2009/TT-BCT Quy định xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nằm ngoài các khu kinh tế cửa khẩu, hiện các địa phương được quyền cho phép thông quan 13 mặt hàng. Tuy nhiên, các địa phương khu vực biên giới cho rằng, với những mặt hàng không thuộc diện hàng nhạy cảm, hàng cấm, hàng phải quản lý hạn ngạch… Ban chỉ đạo Thương mại biên giới nên cho phép các địa phương có thể chủ động thông quan để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp cũng như địa phương, tránh tình trạng nhiều mặt hàng phải mất thời gian chờ cấp phép của Bộ Công Thương mới được thông quan.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng khu vực biên giới hiện còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các địa phương đang huy động nguồn vốn xã hội hóa để cải thiện điều kiện hạ tầng khu vực này, đưa thương mại biên giới phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Ông Vũ Huy Hoàng cho biết, trong thời gian tới, để tận dụng ưu thế của các tỉnh khu vực biên giới, Ban chỉ đạo Thương mại biên giới sẽ rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu tại khu vực này. Bên cạnh đó kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng để không chỉ phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng cho khu vực có vị trí hết sức quan trọng này.
Việt Nam có chung 4.150 km đường biên giới với ba nước Trung Quốc, Lào, Campuchia trải dài qua 25 tỉnh biên giới của Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()