Cần có các trung tâm tổ chức thi cấp chứng chỉ đầu vào đại học, cao đẳng
Việc chọn đổi mới kỳ thi THPT quốc gia là hợp lý vì “thi gì thì học nấy”. Khi đề thi không theo kiểu cũ mà đòi hỏi thi cả kỹ năng, tích hợp… dẫn đến người học phải thay đổi cách học, thầy phải thay đổi cách dạy và chất lượng dạy và học được nâng lên.
Theo dự kiến của Bộ GD và ĐT, kỳ thi THPT quốc gia “nhắm” vào hai đích: Đánh giá chất lượng “đầu ra” của 12 năm học phổ thông và là cơ sở xét “đầu vào” ĐH, CĐ. Thật ra, những năm 1965-1969 đã có hình thức giống như kỳ thi quốc gia (thi lớp 10 xong là được phân công vào các trường ĐH, CĐ; Nhà nước phân công cả đầu vào và đầu ra nhưng không có ai phàn nàn, phản đối). Tuy nhiên, xét về bản chất, mỗi kỳ thi có một mục tiêu cụ thể. Hiệu trưởng một trường ĐH danh tiếng ở nước ngoài từng cho rằng: Vấn đề quan tâm nhất của hai kỳ thi là thi “đầu vào” trả lời được câu hỏi bạn có xứng đáng là sinh viên ĐH của chúng tôi hay không? Và kỳ thi tốt nghiệp thì bạn có xứng đáng nhận bằng của trường chúng tôi chưa? Đơn giản là thế, các bộ phận quản lý cùng với phòng đào tạo phải biết theo lệnh hiệu trưởng tổ chức thi sao cho kết quả trả lời được câu hỏi đó, không quan trọng là thi viết hay vấn đáp, hay phỏng vấn, xét hồ sơ…
Nói như vậy có nghĩa là, khi nước ta tổ chức kỳ thi quốc gia, học sinh phải trả lời câu hỏi: Bạn đã đủ tư chất (kiến thức, kỹ năng, đạo đức, thể lực…) để nhận bằng tốt nghiệp THPT chưa? Và các trường ĐH, CĐ thì dựa vào đó để tự trả lời: Với kết quả mà bạn đã đạt được ở kỳ thi quốc gia, bạn đã thật sự đáp ứng “điều kiện cần” để là sinh viên ĐH chưa (có thể vẫn có trường muốn phỏng vấn, thi thêm để hoàn tất “điều kiện đủ” cho chuyên ngành nào đó). Cần phải khẳng định, bất cứ kỳ thi nào cũng phải tổ chức sao cho phân loại được thứ hạng, nhất là kết quả phân loại này phải trung thực, chính xác. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm gần đây có tới 99,9% đỗ, điều đó có thể nói rằng: Chất lượng kỳ thi của bậc đào tạo đó quá thấp, đến mức sàng lọc mà “bột, sạn, trấu, thóc” đều vượt qua. Nhưng nếu lấy kết quả này để đồng nghĩa “đầu vào” ĐH, CĐ thì việc kỳ thi “tất cả đều đỗ” sẽ là vô nghĩa và không có giá trị chút nào. Vì vậy, kỳ thi quốc gia cần phải nghiêm, chuyên nghiệp và trung thực.
Theo chúng tôi dự thảo kỳ thi THPT quốc gia với ba phương án môn thi theo dự kiến của Bộ GD và ĐT đều chưa được ổn lắm. Vì nếu là thi tốt nghiệp THPT thì các Sở GD và ĐT theo chỉ đạo của Vụ trung học phải lo sao cho kỳ thi thật sự chất lượng, phân loại được học sinh đúng và chuẩn theo tiêu chí quốc gia; còn việc “đầu vào” cho các trường ĐH, CĐ thì Bộ GD và ĐT giao cho các hiệu trưởng chịu trách nhiệm tổ chức thi cho phù hợp chức năng nhiệm vụ của trường đó.
Trường ĐH “tinh hoa” thì kỳ thi phải khó; trường ĐH, CĐ địa phương thì tiêu chí tuyển chọn không giống trường “tinh hoa” mà đơn giản hơn.
Có như vậy mới phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi trường. Bộ GD và ĐT không làm thay các hiệu trưởng. Vì sao thi để lấy bằng lái xe máy, ô-tô thì các trung tâm đào tạo lái xe tổ chức thi quanh năm? Tại sao cần chứng chỉ ngoại ngữ thì thí sinh có thể đăng ký thi bất kỳ khi nào để đạt các trình độ mà họ mong muốn, chưa đạt thì họ chủ động học thêm, lại đăng ký thi lần nữa? Vì vậy, theo tôi, Việt Nam cần có các trung tâm tổ chức thi để cấp chứng chỉ đầu vào ĐH, CĐ do Bộ GD và ĐT cấp phép. Các thí sinh tự giác đến thi, nếu kết quả đó phù hợp với tiêu chí đầu vào của trường nào đó, thí sinh có thể đăng ký nhập học; nếu chưa được thì hoặc về ôn để thi lại hoặc đăng ký học trường có tiêu chí đầu vào phù hợp với năng lực của mình.
Nếu đợi cho mọi thứ thật hoàn chỉnh mới đổi mới thì sẽ bị muộn hoặc lỡ cơ hội. Như đã nói ở trên, tôi nghĩ đổi mới thi, kiểm tra sẽ kéo theo các cấp học, bậc học phải đổi mới chương trình, đổi mới phương pháp dạy và học, thậm chí đổi mới cả thầy dạy (thầy, cô nào không đáp ứng được yêu cầu đổi mới sẽ chuyển công tác hoặc chọn việc phù hợp).
Tất nhiên, không có giải pháp nào là hoàn thiện ngay lập tức, vấn đề là chọn phương án tối ưu để lường trước các khó khăn, giảm nhẹ các khiếm khuyết. Sự nghiệp đổi mới nào cũng đầy khó khăn, cần nhiều giải pháp, cần nhiều người hiến kế, đồng thuận và chủ động triển khai, có như thế mới thành công được. Người lãnh đạo cấp cao phải hình dung được các việc để chỉ đạo phân công cụ thể cho cấp dưới; cấp dưới có thể chưa hiểu hết nhưng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, có như vậy sự nghiệp đổi mới sẽ thành công.
Mặt khác, nếu Việt Nam mà có sáng tạo độc đáo, thành công chưa nước nào làm được thì nên mời các nước đến cùng học và làm theo, sức mạnh quốc tế sẽ nhân lên gấp bội; nếu chưa chọn được giải pháp hay thì nên học và tham khảo các bài học thành công của các nước.
Nhưng học kinh nghiệm cũng cần thận trọng, học đến đầu đến đũa, nếu không sẽ có tác hại vô cùng.
Mỗi chương trình đào tạo của mỗi quốc gia có một triết lý đào tạo khác nhau, một thiết kế lô-gích chặt chẽ khác nhau. Không thể ghép cơ học để ra một chương trình “hợp lưu”: chương đầu là voi, chương hai là đại bàng, chương ba là bò tót được. Như thế là lại làm hỏng sự nghiệp đào tạo một cách “tâm huyết”.
Ý kiến ()