Cần chuyên nghiệp để nâng hiệu quả
LSO-Sau hơn một tháng thành lập Đội nghiệp vụ Hải quan Cửa khẩu phụ Bản Chắt, huyện Đình Lập, hoạt động xuất khẩu hàng hóa nơi đây đã dần sôi động. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả cần sớm chuyên nghiệp hóa một số dịch vụ phát sinh, trong đó có hoạt động bốc xếp, sang tải hàng hóa.
Lực lượng chức năng trao đổi thông tin với chủ hàng tại cửa khẩu phụ Bản Chắt |
Theo báo cáo của Đội nghiệp vụ Hải quan Bản Chắt, từ ngày 8/8/2016 đến hết ngày 30/8/2016, đã có 375 xe ô tô chở hàng xuất qua cửa khẩu, lực lượng Hải quan đã xử lý 97 bộ hồ sơ thông quan, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,34 triệu USD và thu phí theo Quyết định 26 đạt 220 triệu đồng. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là lợn nuôi thương phẩm, lông vịt và nhựa thông.
Như vậy, trung bình mỗi ngày có gần 20 xe chở hàng xuất qua cửa khẩu. Do vậy cần có dịch vụ bốc xếp tại cửa khẩu để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo thông tin từ lực lượng chức năng, từ trước đến nay, tại cửa khẩu đã có 6 tổ bốc xếp tự phát, mỗi tổ từ 20 – 25 người, chủ yếu là người dân thôn Nà Vang và Bản Chắt, xã Bính Xá, huyện Đình Lập. Tuy nhiên, hoạt động bốc xếp đang được thực hiện tự do, tự phát với giá cả thỏa thuận giữa các tổ bốc xếp và chủ xe hàng. Nhiều lúc các tổ bốc xếp đưa ra mức giá quá cao gây khó khăn cho chủ hàng xuất khẩu.
Ông Hoàng Văn San, Chi cục Phó Chi Cục Hải quan Chi Ma cho biết: Thời gian qua, hoạt động bốc xếp hàng hóa tại Bản Chắt không có tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp quản lý nên đã xảy ra tình trạng tranh giành, ép giá cao. Như theo quy định của tỉnh thì giá bốc xếp, sang tải hàng hóa tại cửa khẩu là 40 nghìn đồng/tấn hàng, tức là một xe hàng hơn 20 tấn sẽ có giá bốc xếp khoảng 1 triệu đồng, nhưng ở Bản Chắt người dân đòi giá từ 3 – 4 triệu đồng/xe, tương đương khoảng 150 – 200 nghìn đồng/tấn.
Trước tình hình trên, ngày 1/9/2016, các ngành chức năng của tỉnh và lãnh đạo huyện Đình Lập đã tổ chức kiểm tra thực tế tại cửa khẩu Bản Chắt, bàn thống nhất với lực lượng chức năng tại cửa khẩu và các tổ bốc xếp phương án tổ chức hoạt động tạm thời tại khu vực trong thời gian đợi UBND tỉnh ký quyết định hoạt động cho doanh nghiệp đang đầu tư bến bãi tại cửa khẩu.
Ông Phan Hồng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đình Lập cho biết: Huyện cùng lực lượng chức năng đã họp bàn và đưa ra phương án trước mắt là vẫn để 6 tổ bốc vác tiếp tục hoạt động nhưng với mức giá khoảng 80 – 100 nghìn đồng/tấn hàng. Sở dĩ để như vậy là do đặc thù hàng xuất qua cửa khẩu chủ yếu là lông vịt, nhựa thông có mùi hôi và khó khăn hơn khi bốc xếp so với hàng hóa thông thường. Đồng thời, chỉ định một người làm đội trưởng quản lý 6 tổ, chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch bốc vác và báo cáo tình hình với lực lượng chức năng tại cửa khẩu. Tới đây, khi UBND tỉnh quyết định cho doanh nghiệp kinh doanh bến bãi tại cửa khẩu thì hoạt động bốc xếp trong bãi sẽ do doanh nghiệp quản lý theo đúng quy định của tỉnh, nhưng lao động chính vẫn là người của 6 tổ sẵn có để tạo điều kiện cho người dân sở tại có thêm thu nhập.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn xã Bính Xá nói riêng và huyện Đình Lập nói chung. Nhưng để thu hút doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu thì cần nhanh chóng chuyên nghiệp hóa các dịch vụ đi kèm, trong đó có hoạt động bốc xếp, sang tải hàng hóa.
Bài, ảnh: ANH DŨNG
Ý kiến ()