Cần chung tay xóa lỗ hổng miễn dịch
(LSO) – Thời gian qua, mặc dù công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện song trong thời gian gần đây, một số bệnh đã xuất hiện trở lại mà nguyên nhân là do người dân không tiêm chủng, lo sợ phản ứng sau tiêm hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tạo nên “lỗ hổng miễn dịch” gây nguy hiểm cho cộng đồng.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), trẻ em dưới 1 tuổi khi được tiêm, uống đủ 8 loại vắc xin để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm phổ biến như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB thì hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ đạt 95%. Tuy nhiên, theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), trong 4 tháng đầu năm 2019, chỉ có 2.064 trẻ em trên địa bàn tỉnh được tiêm đủ 8 loại vắc xin miễn dịch cơ bản, đạt tỷ lệ 46,17% so với tổng số trẻ được sinh ra năm 2018. Trong số 5 trường hợp mắc bệnh ho gà và 27 trường hợp nghi mắc sởi, đối tượng phần lớn là trẻ em và chưa được tiêm chủng, đây là những bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng tốt khi được tiêm vắc xin đầy đủ trong chương trình TCMR.
Nhân viên Trạm Y tế xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định tiêm chủng cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng
Bác sỹ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm CDC cho biết: Từ tháng 1/2019, toàn tỉnh triển khai tiêm vắc xin ComBe Five để thay thế vắc xin 5 trong 1 Quivanxem. Việc đưa vắc xin ComBe Five đã được thực hiện tốt, không có trường hợp phản ứng nguy hiểm sau tiêm. Hiện nay, do thiếu nguồn cung ứng vắc xin ComBe Five từ Bộ Y tế, nên số liều vắc xin ComBe Five tại đơn vị chỉ đủ cung ứng cho 70 đến 80% số trẻ cần tiêm. Mặt khác, do thời gian qua, thời tiết thay đổi thất thường, trẻ bị ốm, sốt trong thời gian tổ chức tiêm chủng chiếm tỉ lệ cao nên nhiều trường hợp phải hoãn tiêm hoặc chống chỉ định khi tiêm.
Đặc biệt, sau nhiều trường hợp phản ứng sau khi tiêm vắc xin ComBe Five tại một số tỉnh trong cả nước, một số phụ huynh lo lắng đã không đưa con mình đi tiêm mà đến tiêm dịch vụ tại một số điểm tiêm dịch vụ trên địa bàn tỉnh hoặc xuống Hà Nội để tiêm cho con; số lượng trẻ tiêm dịch vụ chiếm tỷ lệ khá cao nhưng khó thống kê số liệu đầy đủ. Trong khi đó, do việc khan hiếm vắc xin dịch vụ thời gian qua, nên có nhiều trẻ phải chờ tiêm dịch vụ lâu, có trường hợp đến 10 – 12 tháng tuổi nhưng vẫn chưa được tiêm từ đó tạo ra lỗ hổng miễn dịch. Từ ngày 1/1/2019 đến 15/5/2019, toàn tỉnh có 8.026 trẻ được tiêm tổng 3 mũi vắc xin ComBe Five, chỉ đạt tỷ lệ trên 34% so với số trẻ được sinh ra năm 2018.
Y sỹ Nông Thị Hồng, cán bộ phụ trách chương trình tiêm chủng, Trạm Y tế phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Theo thống kê, có 90% trẻ tại phường đều tham gia tiêm dịch vụ, việc thống kê số trẻ đã tiêm dịch vụ gặp nhiều khó khăn. Để trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đủ 8 loại miễn dịch cơ bản, các nhân viên của trạm đã thường xuyên trực tiếp xuống hộ gia đình trên địa bàn để rà soát đối tượng; tổ chức truyền thông lồng ghép tại các buổi sinh hoạt ở các khối trung bình 3 cuộc/tháng; phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp cho các đối tượng đến khám thai tại đơn vị. Do làm tốt công tác truyền thông nên tỷ lệ trẻ đến tiêm tại trạm y tế phường đã đông trở lại.
Bác sỹ Dương Anh Dũng cho biết thêm: Để giảm bớt lỗ hổng miễn dịch có nguy cơ tạo thành dịch bệnh nguy hiểm, thời gian tới, các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần tiếp tục tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung kịp thời cho các trường hợp hoãn tiêm. Bên cạnh đó, Trung tâm CDC sẽ tổ chức nhiều lớp tập huấn về tăng cường công tác khám sàng lọc trước khi tiêm; cách xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng; tư vấn cho gia đình trẻ cách chăm sóc, theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm. Đặc biệt, ngành y tế rất cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân để góp phần cho công tác y tế nói chung và chương trình TCMR đạt hiệu quả tốt nhất.
Ý kiến ()