Cần chung sức cộng đồng
LSO-Mỗi năm vào mùa lễ hội rất nhiều điểm tích lịch sử, văn hóa của Lạng Sơn lại ô nhiễm. Để khắc phục tình trạng này, sự nỗ lực của các ban quản lý (BQL) di tích là chưa đủ mà rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
![]() |
Khách du lịch tham quan chùa Tam Thanh – Ảnh: THẾ BẢO |
Tỉnh ta hiện nay có hơn 121 di tích, thắng cảnh trong đó đã có 28 di tích quốc gia và 93 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Nhưng có một thực trạng đáng buồn là tại nhiều điểm di tích, việc khai thác du lịch thiếu đầu tư quản lý đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường làm mất đi vẻ đẹp cũng như sự tôn nghiêm của di sản.
Chùa Bắc Nga là di tích nằm trên địa bàn xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Hằng năm, vào rằm tháng Giêng âm lịch, người dân thường tổ chức lễ hội để cúng tế thần linh cầu bình an, hạnh phúc. Chỉ có điều, nếu ai có dịp đi ngang đây vào cuối ngày hội thì sẽ không tránh khỏi cảm giác e ngại vì rác thải tràn lan trên các sườn đồi, bờ sông, hai bên đường thậm chí là trên bậc thềm, sân chùa. Ông Chu Văn Tuyên, Phó Trưởng Ban quản lý Di tích Chùa Bắc Nga cho biết: “Ước tính vào ngày hội, Chùa Bắc nga tiếp đón khoảng 7-8 nghìn lượt khách. Còn tính cả tháng Giêng thì con số này lên đến khoảng 12 nghìn lượt. Số lượng khách càng đông thì rác thải càng nhiều. Ngày thường, ban quản lý chùa thay nhau dọn vệ sinh còn ngày hội thì phải huy động cả giáo viên và học sinh các trường học trong xã đến thu gom rác thải. Năm nào cũng thế, lễ hội xong thì chúng tôi phải vệ sinh 2, 3 ngày sau mới sạch. Mặc dù Ban Quản lý đã in, phát hàng trăm tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh nhưng phần lớn người trẩy hội vẫn chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường”. Đó là chưa kể đến tình trạng ô nhiễm không khí do khói hương gây ra.
Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm du lịch, di tích là do người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình tham quan di tích, tham gia lễ hội. Tình trạng này sẽ không thể khắc phục được triệt để nếu không có sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư. Minh chứng rõ nét là Đền Mẫu (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc) là một điểm du lịch tâm linh lớn, thu hút số lượng lớn khách tham quan, hành hương lễ phật thế nhưng công tác vệ sinh môi trường ở đây luôn được quan tâm làm tốt. Để giữ gìn sự sạch sẽ, tôn nghiêm nơi cửa đền, Ban quản lý đã thay phiên nhau vệ sinh hằng ngày. Đồng thời đặt thùng rác ở trong và ngoài chùa, sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền cho khách hành hương nâng cao ý thức, vứt rác đúng nơi quy định. Còn các hộ kinh doanh trong khu vực sân đền thì thường xuyên được nhắc nhở để họ quét dọn, vệ sinh sạch sẽ ngày 2 lần. Bà Phan Thị Thanh (du khách người Hải Dương) cho biết: “Tuy đã ngoài 60 tuổi nhưng năm nào con cháu cũng sắp xếp đưa bà lên đây đi lễ. Bà thấy ở đây tuy đông nhưng không khí rất sạch sẽ, trong lành. Ông Nguyễn Bá San, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn một số di tích, điểm du lịch phải gánh chịu tình trạng ô nhiễm rác, nước thải, không khí mặc dù các Ban Quản lý, ban khánh tiết ở các di tích đã nỗ lực rất nhiều. Để khắc phục tình trạng này cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư, trong đó có khách tham quan và người dân địa phương tham gia khai thác du lịch.”
![]() |
Lễ hội chùa Bắc Nga – Ảnh: PHAN CẦU |
Thiết nghĩ, để bảo vệ môi trường tại các di tích cần xây dựng một bộ tiêu chí đầy đủ và một chế tài cụ thể để xử lý những hành vi gây ra tác động xấu, ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, môi trường nhân văn gắn với di tích. Đồng thời quy định rõ ràng và cụ thể về sự phối hợp giữa các ban, ngành, giữa chính quyền địa phương với các ban, ngành chức năng trong công tác bảo vệ môi trường tại di tích.
NGỌC HIẾU

Ý kiến ()