Cần chú trọng vào công tác nghiên cứu khoa học
LSO - Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 43.000 chiếc máy động cơ các loại với công suất khoảng 30.000 mã lực. Trong đó máy kéo các loại là 16.363 chiếc, với số lượng máy kéo này đã giúp nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt 40% diện tích gieo trồng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, tư duy cơ giới hóa của bà con nông dân Xứ Lạng đã ngày một nâng lên, gần đây bà con đã chủ động mua nhiều loại máy làm đất, máy gặt, máy tuốt loại nhỏ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy vậy, chúng ta mới chỉ cơ giới hóa được ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa gạo. Các khâu khác như gieo cấy, thu hoạch, chăm sóc… vẫn còn phụ thuộc vào lao động thủ công là chính.
Đưa máy móc vào việc hái chè
Xét về tỷ lệ cơ giới hóa, cơ khí hóa trong nông nghiệp của tỉnh đạt cao nhưng xét về chất lượng, số lượng cơ giới trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp. Chính điều này khiến quy mô sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp, chưa đủ sức thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn cho biết: vì một số nguyên nhân khác nhau nên bà con nông dân không thể hay nói chính xác là chưa thể cơ giới hóa, cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ. Cụ thể, trong sản xuất lúa, ở khâu làm đất, hiện bà con vẫn chỉ sử dụng loại máy có công suất nhỏ, vì địa hình đồng ruộng không bằng phẳng, ruộng bậc thang, diện tích các thửa nhỏ… Cũng vì nguyên nhân này nên việc gieo sạ hiện nay phần lớn vẫn chỉ sử dụng máy gieo sạ kéo tay, cơ giới hóa ở khâu này mới chỉ đạt 10%. Khâu phun thuốc cơ giới hóa đạt 17%, tưới tiêu đạt 29,8%, thu hoạch đạt 23,5%, vận chuyển đạt 47%.
Thực trạng trên cho thấy, các điều kiện cần thiết cho phát triển cơ giới hóa của tỉnh còn nhiều hạn chế, phần vì ruộng đồng manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng còn nhiều khó khăn. Phần khác vì bà con nông dân vẫn thiếu vốn, tính hợp tác chưa cao.
Để cải thiện tình trạng này, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp với ngành khoa học tỉnh nghiên cứu, tìm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm đẩy mạnh cơ khí hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo Giải pháp khoa học và công nghệ thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn vào ngày 24/10/2014, giáo sư, tiến sỹ khoa học Phạm Văn Lang, Giám đốc Trung tâm Cơ điện nông nghiệp và nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: hiện nay nhu cầu triển khai ứng dụng cơ khí hóa và sử dụng các loại máy móc, thiết bị cho sản xuất nông nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc nói chung, tỉnh Lạng Sơn nói riêng còn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu, năng suất, độ đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp. Việc cơ giới hóa trong nông nghiệp còn yếu; hiệu quả từ cơ khí hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa đồng bộ và phát triển chưa toàn diện. Đặc biệt, do thiếu vốn, thiếu sự hướng dẫn… nên một số máy móc, công nghệ được đưa vào sử dụng thường đã lạc hậu nên hiệu quả sản xuất không đạt cao.
Giáo sư Phạm Văn Lang khẳng định: qua nghiên cứu nhận thấy, để thay đổi và đẩy mạnh cơ giới hóa, cơ khí hóa trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tại Lạng Sơn thì tỉnh cần thực hiện một số giải pháp, trong đó cần quan tâm nhiều đến giải pháp khoa học. Cụ thể, trong thời gian tới tỉnh cần có chính sách khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu các loại máy mới hiện đại, hợp với đặc điểm đồng ruộng của Lạng Sơn. Cùng đó, cần khẩn trương nghiên cứu, chuyển giao các loại sản phẩm cơ khí tiên tiến phù hợp với điều kiện của các loại sản phẩm nông sản. Ngoài máy móc, các nhà khoa học và ngành nông nghiệp cần nghiên cứu ra các loại cây, con phù hợp với địa phương và có ưu thế để áp dụng cơ giới hóa. Song song với đó, các nhà quản lý, cán bộ khoa học, cán bộ khuyến nông cần tuyên truyền, định hướng cho bà con nông dân sử dụng các loại máy móc, sản phẩm cơ khí tiên tiến, tránh sử dụng các loại máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu. Không chỉ vậy, tỉnh Lạng Sơn cần nghiên cứu, tìm giải pháp khoa học nhằm sắp xếp, tái cơ cấu lại ngành nghề sản xuất, canh tác nông nghiệp; tìm giải pháp để thay đổi quy trình sản xuất, thay đổi tập quán canh tác, thay đổi tư duy sản xuất… Đặc biệt, tỉnh cần tăng vốn đầu tư trực tiếp phát triển nông nghiệp theo hướng ưu tiên nâng cao năng lực, hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ, nhằm tạo ra những đột phá mới về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Theo đánh giá của các nhà khoa học và lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay, nhu cầu triển khai ứng dụng cơ khí hóa và sử dụng các loại máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết. Nhưng, những hạn chế từ khách quan lẫn chủ quan khiến công tác này của Lạng Sơn còn hạn chế. Do đó, để “giải bài toán” cơ giới hóa, cơ khí hóa nông nghiệp thì cần chú trọng nhiều hơn nữa đến công tác nghiên cứu khoa học nhằm tìm ra giải pháp khoa học nhất để đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa, cơ khí hóa.
Bài, ảnh: Trí Dũng
Ý kiến ()