Cần chú trọng số liệu đầu vào trong nghiên cứu bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản
Theo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), hiện nay, nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn lợi hải sản vùng gần bờ về cả chất và lượng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do các bất cập trong quy hoạch, quản lý và khai thác nguồn lợi thủy, hải sản do nguồn số liệu đầu vào chưa được chú trọng thu thập.
Để giải quyết bài toán này, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực này là giải pháp thiết yếu.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Tổng cục Thủy sản) |
Theo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, nguồn lợi thủy sản, hải sản ở vùng biển Việt Nam có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, cung cấp gần 40% tổng lượng đạm động vật tiêu thụ trên tòan quốc và mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn. Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản, hải sản vốn không phải là vô tận. Hiện nay, nguồn lợi đang ngày càng có xu hướng cạn kiệt dần bởi các họat động khai thác và tác động của môi trường. Nhằm xây dựng các quy hoạch tổng thể trong quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, rất cần đến các nguồn dữ liệu đầu vào đáng tin cậy. Đồng thời nguồn số liệu đầu vào này cần được cập nhật thường xuyên, liên tục theo một nguyên tắc, phương pháp chuẩn nhất định. Vì vậy, giải pháp về KHCN trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản luôn được chú trọng đặt lên hàng đầu trong các chính sách phát triển ngành thủy sản nhằm khắc phục những hạn chế trên.
Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu KHCN trong lĩnh vực này đã bước đầu cho những kết quả nhất định. Trong đó, thực hiện Quyết định 188/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 13/2/2012 về việc phê duyệt chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, đến nay, việc nghiên cứu, lựa chọn giống bố mẹ và hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa đặc hữu đã được các Viện nghiên cứu, Trung tâm giống thủy sản trong cả nước thực hiện đối với một số dối tượng kinh tế như: cá rô phi, mè trắng, cá trắm đen. Quy trình sản xuất giống nhân tạo ngày càng được hoàn thiện, giảm thiểu thời gian và nâng cao chất lượng nguồn giống phục vụ cho nuôi trồng thủy sản; hàng năm tiến hành tái tạo, bổ sung vào các thủy vực tự nhiên.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ sử dụng vệ tinh, viễn thám, định vị vệ tinh trong công tác quản lý, kiểm soát các hoạt động của tàu cá nhằm bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sinh trên các vùng biển đã được chú trọng phát triển. Với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, dự án đầu tư hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh đã được triển khai thực hiện giúp ngư dân nắm bắt được thông tin cần thiết cho mỗi chuyến vươn khơi dài ngày trên biển.
Các nghiên cứu về KHCN đã gắn kết được với các nghiên cứu về môi trường, các yếu tố hải dương học nghề cá – yếu tố liên quan mật thiết đến nguồn lợi. Thông qua đó, hàng năm đã đưa ra được dự báo ngư trường, nguồn lợi thủy sản phục vụ sản xuất của bà con ngư dân. Các nghiên cứu đánh giá nguồn lợi hải sản đã gắn kết được với các nghiên cứu về cơ cấu đội tàu khai thác, năng lực khai thác cũng như tập quán khai thác ở các địa phương, cung cấp các kết quả đầu vào cho việc xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều khó khăn và bất cập. Trong đó, việc nghiên cứu gắn chíp điện tử theo dõi sự di cư đối với một số loài động vật thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học cũng như việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng chưa được quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Phần lớn các công trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến các loài thủy sinh quý hiếm đều được thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 21, đến nay chưa có cập nhật, bổ sung, chủ yếu vẫn căn cứ vào tài liệu tiêu chuẩn là sách đỏ Việt Nam để làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát triển. Vì vậy, đến nay vẫn chưa có những phương pháp thích hợp để bảo vệ, tái tạo và phát triển các loài thủy sinh quý hiếm mà chủ yếu vẫn dựa vào hình thức bảo tồn chung theo hệ sinh thái; chưa thành lập được các khu vực bảo tồn riêng cho từng loài nên hiệu quả bảo tồn các loài thủy sinh quý hiếm chưa cao.
Về điều tra hiện trạng đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển Việt Nam, công tác điều tra sinh học nguồn lợi thủy, hải sản ở Việt Nam đã được tiến hành từ rất sớm, đồng thời đã có khá nhiều chương trình nghiên cứu đã được thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan nên các chương trình nghiên cứu này còn có nhiều bất cập, tồn tại chưa được giải quyết thỏa đáng.
Mặt khác, thực hiện Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/3/2006 về việc phê duyệt đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, trong đó, thực hiện nhiệm vụ số 8 về điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, hải sản vùng biển Việt Nam, quy hoạch và xây dựng hệ thống các khu bảo tồn biển phục vụ phát triển bền vững; hoạt động điều tra, nghiên cứu đánh giá đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy, hải sản ở vùng biển Việt Nam đã được xây dựng có tính hệ thống, quy mô hơn. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn chưa đồng bộ, các chương trình nghiên cứu được triển khai rộng khắp và đánh giá trên diện rộng vùng biển Việt Nam nhưng vẫn còn thiếu do chưa bố trí thực hiện như về hệ sinh thái cỏ biển, nguồn lợi thủy sản ven bờ. Thêm vào đó, việc sử dụng các công cụ nghiên cứu, tàu thuyền nghiên cứu vẫn còn nhiều hạn chế, các Viện vẫn phải sử dụng tàu của ngư dân để nghiên cứu; chưa có phương tiện nghiên cứu chuyên dụng dẫn đến tính chính xác trong kết quả nghiên cứu chưa thực sự cao.
Trước thực trạng các họat động KHCN trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi trong thời gian qua chưa thực sự được quan tâm, đúng hướng và đầu tư đầy đủ, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong đó, xác định rõ nội dung liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gồm: tổ chức và quản lý khai thác thủy sản, sản lượng, mùa vụ, vùng khai thác, ngư cụ khai thác gắn liền với duy trì và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, theo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, cần tập trung vào các họat động chính sau:
Một là tiếp tục thực hiện hiệu quả việc điều tra, đánh giá hiện trạng và biến động nguồn lợi thủy sản cũng như đa dạng sinh học các hệ sinh thái tiêu biểu, trong đó tập trung đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ và ứng dụng thực tiễn từ các kết quả nghiên cứu. Trong đó, công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản cần được thực hiện hàng năm để đánh giá được biến động của nguồn lợi thủy sản, xác định được trữ lượng của các nhóm – loài, sản lượng cho phép khai thác hàng năm phục vụ việc hoạch định các chính sách quản lý, quy hoạch và phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong công tác điều tra, nghiên cứu nguồn lợi để có được những kết quả chất lượng phục vụ việc quản lý.
Hai là xây dựng và phát triển mô hình tổ chức cộng đồng quản lý nghề cá cho từng vùng biển ven bờ hoặc cho từng đối tượng khai thác. Bên cạnh việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc thực hiện mô hình đồng quản lý cần tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá các mô hình đồng quản lý đã được triển khai thí điểm ở một số địa phương trong khuôn khổ tài trợ của các dự án và Chính phủ các nước, từ đó xây dựng thành một mô hình chung để triển khai tổ chức thực hiện trên cả nước.
Ba là thành lập và đưa vào họat động các khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa theo Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 đã được phê duyệt. Bên cạnh việc hòan thiện thể chế chính sách liên quan đến họat động bảo tồn biển, bảo tồn vùng nước nội địa, cần làm rõ những vấn đề còn chồng chéo với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thống nhất triển khai thực hiện.
Bốn là thả giống một số loài thủy sản bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế vào các thủy vực tự nhiên nhằm khôi phục nguồn lợi, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân. Nghiên cứu cơ sở khoa học để chọn giống thủy sản, phù hợp với các loại hình thủy vực để thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào việc thuần hóa, sinh sản nhân tạo các loài thủy sản có giá trị kinh tế, các loài thủy sản bản địa, quý, hiếm phục vụ việc tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản.
Năm là phục hồi một số hệ sinh thái điển hình như: san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn tại các vùng biển có điều kiện và có vị trí quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đồng thời thả rạn nhân tạo, tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản, hình thành các bãi cá nhân tạo để tái tạo nguồn lợi, phục vụ nghề cá giải trí. Nghiên cứu, sản xuất thực nghiệm và thả rạn nhân tạo ở các thủy vực tự nhiên quan trọng là bãi giống, bãi đẻ của các loài thủy sản để tạo sinh cảnh, nơi cư trú, sinh sản và sinh trưởng của các loài thủy sản.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()