Cần chú trọng phòng chống cháy, nổ trong các trường học
Sau những vụ cháy nổ tại các chung cư mini, nhà cao tầng… thì lực lượng chức năng các địa phương đã tăng cường rà soát, kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tuy nhiên, tại một số trường học (tiểu học, THCS, THPT…), nhất là các trường tư thục, dân lập thì công tác PCCC vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Một số giáo viên, nhân viên và học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH). Các thiết bị chữa cháy còn hạn chế hoặc chưa được bổ sung, thay thế kịp thời…
Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội hướng dẫn học sinh, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) sử dụng bình cứu hỏa dập tắt đám cháy. (Ảnh HUY HOÀNG)
Chị Nguyễn Thị Thúy, là công nhân của Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, TP Hà Nội), chia sẻ: “Vợ chồng tôi ở tỉnh Vĩnh Phúc xuống làm công nhân trong khu công nghiệp này đã được 5 năm. Do không có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội cho nên phải cho con đi học nhà trẻ tư thục. Nhiều lúc đến đón con, quan sát trường học thấy nhiều vật liệu dễ cháy nổ như đệm mút xốp, sách vở, bàn ghế…, trong khi các thiết bị PCCC, thiết bị điện, vách ngăn cháy không bảo đảm chất lượng; không có lối thoát hiểm hoặc có nhưng rất bé. Tôi thật sự lo lắng!…”.
Đây không chỉ là nỗi lo riêng của chị Thúy mà đây cũng là nỗi lo chung của rất nhiều phụ huynh có con đang độ tuổi đến trường. Bởi phần lớn thời gian trong ngày các học sinh học tập, sinh hoạt cùng với các thầy cô tại trường. Nếu các trường học bảo đảm tốt công tác PCCC và CNCH thì khi xảy ra cháy thiệt hại về người và tài sản sẽ được giảm thiểu đến mức thấp nhất. Vừa qua, tại Trường tiểu học Đồng Mai 1 (quận Hà Đông, TP Hà Nội) trong lúc các học sinh đang học thì bất ngờ xảy ra cháy tại phòng thư viện.
Ngay sau khi phát hiện đám cháy, các giáo viên và nhân viên nhà trường khẩn trương sơ tán học sinh xuống sân trường; đồng thời, thông báo cho lực lượng PCCC và CNCH Công an quận Hà Đông. Tại thời điểm xảy ra cháy, các cán bộ giáo viên và Công an phường Đồng Mai đã nỗ lực dùng nhiều bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy trước khi lực lượng PCCC và CNCH có mặt. Nguyên nhân của đám cháy có thể do chập điện.
Trước đó, tại Trường THCS Phổ Thạnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi xảy ra cháy lớn tại phòng lưu trữ hồ sơ và một phòng của Phó hiệu trưởng của nhà trường. Sau khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC địa phương cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phổ Thạnh, đội PCCC số 3 đến hiện trường dập tắt đám cháy.
Hậu quả là một số máy tính và tài liệu lưu trữ bị cháy… Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn đã có hai trường học tại hai địa phương xảy ra cháy nổ gây hoang mang dư luận. Qua đó, có thể thấy nguy cơ cháy nổ tại các trường học là rất lớn, nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời.
Qua tìm hiểu tại một số trường học tại các tỉnh Quảng Ngãi, TP Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, những nơi dễ xảy ra cháy là khu vực hội trường, phòng học, phòng thí nghiệm, phòng máy tính, thư viện, nhà để xe, bếp ăn… Đây là những khu vực chứa nhiều các vật liệu dễ cháy như sách vở, hóa chất, bàn ghế gỗ, chăn, chiếu…
Phần lớn các nguyên nhân gây ra cháy nổ tại các trường học do vi phạm quy định an toàn khi sử dụng điện, hệ thống điện được lắp đặt không đúng quy định với nhiều thiết bị tiêu thụ điện như máy tính, điều hòa nhiệt độ… tiềm ẩn nguy cơ quá tải, gây chập cháy. Một số trường học đã trang bị hệ thống PCCC nhưng không thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng.
Hệ thống đường giao thông đến các trường học ở trung tâm các quận, thị xã còn nhỏ hẹp, gây khó khăn cho các xe phương tiện chữa cháy đến chữa cháy, cứu nạn. Nhiều trường không có bể nước phục vụ chữa cháy, hoặc có bể nhưng xe chữa cháy không thể tiếp cận để hút nước.
Theo Thượng tá Trần Văn Hướng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an thành phố Đà Nẵng, trường học là nơi tập trung đông giáo viên, học sinh để bảo đảm an toàn PCCC và giảm thiệt hại do cháy nổ xảy ra, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác PCCC và CNCH tại những nơi này. C
hỉ đạo đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống PCCC và các giải pháp an toàn về PCCC theo quy định. Thường xuyên phối hợp các trường học tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm thực hành kỹ năng chữa cháy và CNCH tại các đơn vị của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trước khi cấp phép hoạt động của cơ sở nuôi dạy trẻ, trường mẫu giáo phải xem xét các điều kiện bảo đảm về an toàn PCCC như thang bộ thoát nạn, lối thoát hiểm, khoảng cách an toàn PCCC; việc lắp đặt hệ thống điện và các thiết bị tiêu thụ điện; việc tồn chứa và sử dụng khí gas hóa lỏng…
Thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả đội PCCC tại các trường học. Bảo dưỡng, bảo trì định kỳ hệ thống báo cháy tự động, các bình chữa cháy xách tay, hệ thống chống sét. Phối hợp chặt chẽ với các phụ huynh để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng giúp các học sinh tự bảo vệ mình khi xảy ra cháy nổ.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()