Cần chú trọng “ngân hàng máu sống”
LSO-Hiện nay tại các bệnh viện, các trung tâm y tế huyện, số lượng máu dự trữ còn hạn chế. Mặt khác, lượng máu tình nguyện tiếp nhận từ các đợt phát động phong trào, ngày hội hiến máu tập trung chỉ bảo quản được tối đa 42 ngày với nhiệt độ phù hợp. Lượng máu dành cho người nghèo lại càng eo hẹp hơn vì chi phí tiếp máu tốn kém.
Em Phùng Thị Nhung, sinh viên lớp điều dưỡng 9C, Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn hiến máu đột xuất tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Câu lạc bộ ngân hàng máu sống (NHMS) Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thành lập từ tháng 12/2015, đến nay đã thể hiện được tính hiệu quả từ mô hình. Các thành viên trong câu lạc bộ luôn trong tâm thế sẵn sàng cho máu bất cứ lúc nào. Với phương châm hành động “một giọt máu cho đi – một cuộc đời ở lại” Câu lạc bộ NHMS đã kịp thời cho máu và cứu sống 12 trường hợp nguy kịch.
Anh Đoàn Anh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ NHMS Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Câu lạc bộ hiện nay có 52 thành viên là cán bộ, y, bác sỹ, nhân viên bệnh viện, sẵn sàng hiến máu tình nguyện khi có tình huống cần huy động nguồn máu đột xuất để cứu chữa bệnh nhân. Các thành viên câu lạc bộ phải đạt các yêu cầu về sức khỏe đủ điều kiện hiến máu, có tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình với bệnh nhân.
Cùng với lòng nhiệt huyết kịp thời cứu chữa bệnh nhân, trong tháng 6 vừa qua, Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn đã ra mắt thành lập Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện. Câu lạc bộ được thành lập trên cơ sở đội thanh niên tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện của trường đã hoạt động trong 15 năm qua. Ngay trong ngày ra mắt, câu lạc bộ đã phối hợp với Tỉnh đoàn, Ban vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức ngày hội hiến máu và đã tiếp nhận được 113 đơn vị máu tình nguyện.
Anh Vương Văn Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn cho biết: Ngày đầu thành lập mới có hơn 60 thành viên nhưng đến nay đã phát triển lên 104 thành viên, chiếm khoảng 14% học sinh, sinh viên trong trường. Trong đó, có khoảng 25 thành viên luôn sẵn sàng cho máu đột xuất mọi lúc, mọi nơi. Với phương châm hành động “sẵn sàng cho máu mọi lúc, mọi nơi”, trong thời gian qua, câu lạc bộ đã phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, tính nhân văn sâu sắc trong phong trào hiến máu cứu người.
Bạn Phùng Thị Nhung, sinh viên lớp Điều dưỡng 9C, Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn, (thành viên trực tiếp đến Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa hiến máu đột xuất cho bệnh nhân) tâm sự: Hôm đó em đang ngồi học trên giảng đường thì nhận được điện thoại của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thông báo là có bệnh nhân đang cần truyền máu gấp tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa. Em liền xin phép giảng viên nghỉ học rồi sang bệnh viện, chỉ trong 15 phút xét nghiệm, em đã hiến máu trực tiếp cho bệnh nhân nhi sinh non. Sau khi hiến máu xong, bệnh nhân đã dần qua khỏi cơn nguy kịch, cả gia đình họ đều vui mừng, xúc động. Em cảm thấy rất vui khi những giọt máu của mình cho đi đã cứu một cuộc đời ở lại.
Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có 2 câu lạc bộ NHMS nói trên, số lượng thành viên còn tương đối thấp. Mặt khác, tại các bệnh viện, các trung tâm y tế huyện lại rất cần máu mỗi ngày để cứu chữa bệnh nhân, tuy nhiên lượng máu dự trữ lại hạn chế. Việc phát triển các câu lạc bộ NHMS là điều cần thiết, bởi NHMS là nguồn cung cấp máu chất lượng tốt hơn nhiều so với máu được lưu trữ tại ngân hàng máu. Bên cạnh đó, thời gian người bệnh được nhận máu cũng nhanh hơn. Khi một ca cấp cứu cần máu khẩn cấp tại bệnh viện, các bộ phận tiến hành thử nhanh nhóm máu người thân, nếu thiếu, bệnh viện sẽ liên hệ trực tiếp với hội chữ thập đỏ, các câu lạc bộ NHMS ngay tại địa bàn để có sự phối hợp kịp thời. Thông thường khoảng 15 – 20 phút sau, các thành viên có cùng nhóm máu cần thiết sẽ có mặt. Nhân viên bệnh viện xét nghiệm một số kỹ thuật chuyên môn và tiến hành cho máu để cứu chữa bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
ĐĂNG THÙY
Ý kiến ()