Cần chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất
LSO-Trong những năm qua, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các cấp, ngành và người dân cũng đã chủ động trong việc tìm hiểu, xây dựng các mô hình sản xuất mới. Tuy nhiên việc nhân rộng các mô hình này còn rất hạn chế. Tổ chức sản xuất còn nặng tính nông hộ, riêng lẻ, thiếu sự liên kết, gắn kết là một trong những nguyên nhân cơ bản. Trường hợp ở xã Đại Đồng, huyện Tràng Định là ví dụ cụ thể.
Cán bộ khuyến nông huyện Tràng Định hướng dẫn vận hành máy ấp trứng |
Năm 2013, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Đại Đồng quyết định lựa chọn và xây dựng mô hình nuôi vịt sinh sản. Đây có thể coi là quyết định rất đúng đắn và có sự đầu tư, nghiên cứu, khảo sát. Bởi trước kia nhân dân trong xã cũng đã có truyền thống nuôi vịt sinh sản, đồng thời hiện nay nhu cầu về giống gia cầm trên địa bàn huyện là rất cao. Mặt khác mô hình cũng phù hợp với số vốn được phân bổ của huyện là 100 triệu đồng. Mô hình đã hỗ trợ 2.000 vịt giống Supper cho 32 hộ gia đình và hỗ trợ ½ giá trị mua máy ấp cho 1 gia đình có nhu cầu và khả năng đối ứng. Ông La Quốc Chấn, thôn Nà Vài khẳng định: nuôi vịt sinh sản, chủ động giống gia cầm tại chỗ là hướng đi rất đúng, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay. Từ nhận thức đó, gia đình ông Chấn đã nhận nuôi 150 con vịt dự án và đối ứng 12 triệu đồng để mua máy ấp, công suất khoảng 4.000 trứng vịt/lần ấp. Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình đã chứng tỏ được hiệu quả kinh tế. Với số vịt ban đầu, mỗi tháng gia đình thu được khoảng trên 100 quả trứng và thu mua khoảng 700 quả từ những gia đình cùng tham gia dự án với giá từ 4.000-5.000 đồng/quả.
Trên địa bàn huyện Tràng Định, nhu cầu về giống gia cầm rất cao, bởi vậy vịt giống từ mô hình luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Tùy từng thời điểm, nhưng trung bình nếu đến tận nhà mua thì giá con giống ở mức trên 15.000 đồng/con; còn mang ra chợ Thất Khê, có lúc lên tới 22.000 đồng/con. Ông Nguyễn Khắc Toàn, thôn Bản Mạ (một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình) cho biết: gia đình nhận 50 con vịt của dự án hỗ trợ sản xuất, qua tuyển lựa vịt đẻ, hiện nay trung bình mỗi tháng gia đình thu được khoảng 800 quả trứng, toàn bộ số trứng này được lò ấp thu mua, mỗi tháng gia đình cũng có thêm thu nhập từ 3-4 triệu đồng.
Với sự hiệu quả của mô hình, hiện nay Trung tâm Khuyến nông cũng đang triển khai 2 mô hình chủ động giống gia cầm theo chương trình của tỉnh và Trung tâm khuyến nông Quốc gia tại xã Đại Đồng với quy mô 450 con gà và 4.000 con vịt. Đồng thời Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Hà Tây) cũng đang đầu tư xây dựng mô hình tại đây. Nhìn một cách tổng quát, mô hình sản xuất ở Đại Đồng đã bước đầu có sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi. Sản phẩm được tập trung cho 1 đầu mối để tiến hành cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, tìm hiểu cụ thể thì sự liên kết này vẫn còn rất lỏng lẻo. Ông La Quốc Chấn, chủ lò ấp thôn Nà Vài tâm sự: gia đình tôi rất muốn mở rộng mô hình, nhưng nếu gia đình nuôi hàng nghìn vịt đẻ một lúc thì không đủ lực, bởi vậy phải có sự liên kết, các hộ gia đình khác nuôi và cung ứng trứng cho lò ấp. Thế nhưng lò ấp công suất gần 4.000 trứng/lần ấp hiện nay còn đang thiếu trứng. Lý do là một số hộ gia đình tiếp nhận dự án không tuân thủ hướng dẫn, nuôi sai tỷ lệ đực cái trong đàn dẫn tới chất lượng trứng không đảm bảo. Trong khi đó do năng lực tài chính, một số hộ không duy trì được đàn. Bề ngoài là sự liên kết, nhưng thực chất chăn nuôi vẫn là tư duy nông hộ, mỗi nhà một kiểu, mạnh ai nấy làm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Tuyên, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng xác nhận tình trạng trên và cho biết Ban quản lý xã đang có hướng vận động thành lập hợp tác xã cung ứng giống gia cầm. Đây là hướng đi rất đúng, có như vậy mới có thể đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các hộ chăn nuôi. Thế nhưng việc này phải chủ động tiến hành ngay chứ không phải chỉ là ý tưởng. Trước khi nghĩ tới việc thành lập hợp tác xã, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã cũng cần có sự hướng dẫn, kiểm tra và giám sát các hộ tham gia dự án, đảm bảo chăn nuôi đúng quy trình, từ đó lựa chọn những hộ điển hình để xây dựng mối liên kết.
Có thể nhận thấy việc đổi mới hình thức tổ chức có vai trò rất quan trọng đến việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ví dụ như năm 2013, thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp, ngành đã phối hợp với các huyện, thành phố để thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Hiệu quả của mô hình đã được khẳng định, thế nhưng cho đến nay việc nhân rộng rất khó khăn và hầu như nơi nào không còn hỗ trợ, thì nơi đó mô hình cũng không còn duy trì được. Nguyên nhân cơ bản là do sản xuất vẫn quá nặng nề tính chất nông hộ, riêng lẻ; không có sự gắn kết, liên kết giữa các hộ sản xuất. Còn rất nhiều những ví dụ cho thấy nhà nông đã bỏ lỡ cơ hội liên kết sản xuất lớn, phá vỡ liên kết với doanh nghiệp do tư duy mạnh ai nấy làm.
Trong các cuộc kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới, đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh luôn nhấn mạnh về tiêu chí đổi mới hình thức tổ chức sản xuất. Điểm cốt lõi của tiêu chí này là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông hộ, riêng lẻ sang liên kết sản xuất. Đây cũng chính là yếu tố cơ bản để nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, hình thành sản xuất lớn, gắn với thị trường tiêu thụ.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()