Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất cho thể thao thành tích cao
– Những năm gần đây, thể thao thành tích cao của tỉnh đang dần được khẳng định qua các kỳ thi đấu. Tuy vậy, thực trạng cơ sở vật chất cho việc tập luyện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Do vậy, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo vận động viên (VĐV)… thì việc quan tâm, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất là yếu tố cần thiết, góp phần đem đến thành công cho thể thao thành tích cao.
Những ngày cuối tháng 5/2021, có dịp tham dự một buổi tập của các VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (HL&TĐ TDTT) tỉnh, dưới cái nóng hầm hập do nắng chiếu qua các ô thoáng và nhiệt phả xuống từ mái tôn cũ kỹ, chúng tôi nhận thấy sự vất vả, nỗ lực của các VĐV trong tập luyện. Do chỉ có một nhà tập luyện nên VĐV ở cả 4 môn thể thao bao gồm: Karatedo; Boxing; Wushu Tán thủ (thi đấu đối kháng); Wushu Taolu (biểu diễn) đều cùng tập luyện tại đây.
Các VĐV thành tích cao cùng tập chung tại nhà tập luyện của Trung tâm HL&TĐ TDTT tỉnh
Chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, huấn luyện viên (HLV) Karatedo cho biết: Hiện trung tâm chỉ có một phòng tập tạ nhưng số lượng tạ ít và chưa đảm bảo tiêu chuẩn nên mỗi khi VĐV rèn thể lực bằng tạ chúng tôi phải đợi các đội khác tập xong hoặc chia ca để tránh chồng chéo. Ngoài ra, do tập chung với các môn khác tại nhà tập luyện nên VĐV bị phân tâm, thiếu tập trung dẫn đến kết quả tập chưa thực sự như mong muốn.
Không riêng VĐV Karatedo gặp khó khăn vì thiếu cơ sở vật chất mà đây là thực trạng chung của toàn trung tâm. Những năm gần đây, thể thao thành tích cao của Lạng Sơn đang dần được khẳng định qua các kỳ thi đấu. Từ năm 2016 đến nay, thể thao thành tích cao của tỉnh so với giai đoạn 2011 – 2015 có nhiều thành tích nổi bật. Cụ thể, số lượt tham dự các giải toàn quốc là 84 giải (tăng 115%), đạt 253 huy chương các loại (tăng 153%); số VĐV cấp cao là 65 (tăng 115%)… Tuy nhiên, so với các tỉnh, thành khác thì điều kiện cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.
Cụ thể, nhà tập luyện thể thao có diện tích sàn 540 m2 được xây dựng từ năm 1999. Hiện nay, mái tôn dột nát và xuống cấp rất nhiều xong vẫn được sử dụng làm khu tập luyện thường xuyên của các VĐV. Do diện tích nhỏ, các bộ môn phải tập luyện chung nên ảnh hưởng nhiều đến quá trình tập luyện. Còn với nhà thi đấu thể thao, công trình được sử dụng từ năm 1999 (năm 2017, có sửa chữa lại những giữ nguyên kết cấu, diện tích) với diện tích mặt sàn nhỏ chỉ 540 m2, sức chứa 3.000 chỗ ngồi nên công tác tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp tỉnh, toàn quốc và khu vực gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sân vận động Đông Kinh được bàn giao cho trung tâm quản lý, sử dụng từ năm 2006 đến nay, khi đưa vào sử dụng thì không có bãi đỗ xe khu đất làm sân tập phụ UBND tỉnh đã giao cho Liên đoàn Quần vợt tỉnh quản lý, sử dụng. Ngoài ra, trung tâm chưa có phòng tập thể lực riêng; nhiều bộ môn phải tập ghép, tập “chay”; chưa đủ dụng cụ đặc thù (thảm tập, đài võ)…
Ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Trung tâm HL&TĐ TDTT tỉnh cho biết: Thời gian tới, để khắc phục phần nào bất cập về cơ sở vật chất trong tập luyện, đơn vị sẽ sử dụng linh hoạt nguồn kinh phí mua sắm các dụng cụ thiết yếu phục vụ cho tập luyện. Đồng thời, chúng tôi mong UBND tỉnh quan tâm, sớm triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch chi tiết khu liên hợp thể thao, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Được biết, Đề án trên tỉnh Lạng Sơn được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 2154/QĐ-UBND ngày 16/11/2016 về việc hình thành khu trung tâm thể dục, thể thao hiện đại, tiện nghi đáp ứng yêu cầu đào tạo VĐV thể thao đủ sức tranh tài tại các giải thể thao cấp quốc gia, quốc tế và tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh và thành phố; hướng tới tổ chức các sự kiện thể thao lớn cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế… Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên đến nay, đề án vẫn chưa được triển khai.
Ông Dương Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho biết: Để khắc phục khó khăn, trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất, căn cứ tình hình thực tế xác định hạng mục công trình cần sửa chữa, nâng cấp để trình UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan chức năng đang tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu liên hợp thể thao, dự kiến sẽ sớm triển khai Đề án Quy hoạch chi tiết khu liên hợp thể thao, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định số 2154/QĐ-UBND, ngày 16/11/2016 trong giai đoạn 2021 – 2025.
Có thể thấy, việc duy trì và phát triển bền vững thể thao thành tích cao phụ thuộc rất lớn vào điều kiện luyện tập và thi đấu, khi điều kiện còn thiếu thốn sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình tập luyện, dẫn đến VĐV khó đạt được phong độ cao. Bởi vậy, để thể thao của tỉnh tiếp tục giữ vững vị thế và ngày càng phát triển rất cần sự quan tâm từ các cấp, ngành liên quan trong công tác đầu tư, nâng cấp về cơ sở vật chất.
Ý kiến ()