Cần chú trọng công tác tuyên truyền trong ứng phó với thiên tai
Ngày 8/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống Thiên tai tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai năm 2015 và 5 năm 2011-2015, triển khai Kế hoạch công tác năm 2016 và định hướng giai đoạn 2016-2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành giai đoạn 2011-2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống Thiên tai cho biết, trong 5 năm qua, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn ra bất thường và cực đoan: bão mạnh và siêu bão xuất hiện ngoài vùng biển Thái Bình Dương và đi vào biển Đông. Đặc biệt, năm 2013 có 19 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 12 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt nghiêm trọng đã xảy ra trên diện rộng và kéo dài từ cuối năm 2014 đến 2016; mưa lớn cực đoan với cường suất hàng trăm mm/giờ và tổng lượng lên tới trên 1.500 mm ở Quảng Ninh vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015; mưa lũ trái mùa, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, lốc sét xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước và gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, sự phối hợp của các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp chính quyền và người dân, công tác phòng chống thiên tai trong 5 năm đã đạt được nhiều kết quả. Tiêu biểu, trong công tác phòng ngừa, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về phòng, chống thiên tai đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Đã xây dựng, ban hành, phổ biến về Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản hướng dẫn, quy chế, công tác trực ban phòng chống thiên tai tại các cấp trong các hội nghị, hội thảo liên quan; phối hợp lồng ghép nội dung nêu trên vào hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội trong nước, các tổ chức quốc tế. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân đối với công tác phòng chống thiên tai bằng nhiều hình thức sinh động, cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng.
Trong công tác huy động nguồn lực, trong giai đoạn 2011-2015, nhiều hệ thống công trình phòng chống thiên tai lớn đã được xây dựng và đưa vào sử dụng như hệ thống đê sông, đê biển với tổng chiều dài lên tới 10.500km, 6.648 hồ chứa thủy lợi, quy hoạch và xây dựng 70 khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão, di dời tổng số 71.106 hộ dân vùng thiên tai nguy hiểm. Hoàn thành quy hoạch hệ thống báo động trực canh cảnh báo sóng thần cho vùng có nguy cơ cao, lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh và giám sát cho 3.000 tàu cá công suất lớn, khai thác hải sản xa bờ.
Sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai từ tuyên truyền nâng cao nhận thức, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả nên thiệt hại về người và vật chất trong 5 năm 2011-2015 đã giảm đáng kể so với trước đây. Trong đó, thiệt hại về người trong giai đoạn 2011-2015 là 226 người chết và mất tích/năm, giảm 53% so với giai đoạn 2006-2010 (478 người chết và mất tích/năm). Thiệt hại vật chất giai đoạn 2011-2015 660 triệu USD/năm, giảm 32% so với giai đoạn 2006-2010 (976 triệu USD/năm).
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, một số nội dung thực thi Luật Phòng, chống thiên tai triển khai còn chậm như: xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp, phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai. Thông tư hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, việc thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai gặp một số khó khăn.
Bên cạnh đó, việc quy định cấp độ rủi ro thiên tai sau 1 năm thực hiện đã bộc lộ bất cập ngay trong công tác dự báo, cảnh báo tới chỉ đạo, điều hành cũng như trong xây dựng phương án ứng phó của các Bộ, ngành và địa phương. Việc ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ chỉ đạo, ứng phó đặc biệt là hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực còn hạn chế. Các phương án phòng, chống thiên tai của nhiều địa phương, Bộ ngành còn một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu và tình hình diễn biến thiên tai mới. Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, quy hoạch phát triển ngành…còn chưa được quan tâm đúng mức.
Về nhiệm vụ trọng tâm của công tác phòng, chống thiên tai trong năm 2016 và đến năm 2020, theo Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát, ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế phòng chống thiên tai, bên cạnh hoàn thành các kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm kiểm soát các rủi ro thiên tai mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai của các cấp, trong đó, tập trung nâng cao năng lực cấp xã gắn với việc thực hiện tiêu chí Nông thôn mới “đảm bảo các điều kiện chủ động phòng, chống thiên tai”.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, hiện nay, nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, khu dân cư xây dựng mới làm gia tăng rủi ro thiên tai. Do vậy, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phải đảm bảo yếu tố an toàn trước thiên tai khi phê duyệt dự án xây dựng các công trình quan trọng. Bộ Xây dựng và các Bộ liên quan cần quan tâm đến vấn đề kháng chấn của các công trình bởi thiệt hại thời điểm hiện nay hoàn toàn khác so với thời gian trước đây. Bên cạnh đó, cần xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh về công tác dự báo thiên tai, lập kế hoạch tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện tìm kiếm cứu nạn tại chỗ, xây dựng các chiến lược mang tính lâu dài trong công tác dự báo thiên tai. Đồng thời, kiện toàn tổ chức bộ máy, thống nhất cách chỉ đạo điều hành, triển khai từng nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực, các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn khi xử lý các sự cố xảy ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao những kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống Thiên tai trong thời gian qua. Trong đó, công tác phòng, chống thiên tai đã nâng cao được nhận thức của xã hội về ứng phó với thiên tai, tích cực phối hợp hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy trong công tác tìm kiếm cứu nạn,…Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nếu chúng ta không xây dựng các lực lượng phòng thủ dân sự, quản lý công tác thiên tai, biến đổi khí hậu thì những rủi ro lớn có thể gặp phải là điều không thể tránh khỏi.
Phó Thủ tướng đề nghị, các thành viên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo điều hành nhằm không “để lọt” những sơ suất, thiếu sót trong công tác phòng, chống thiên tai. Công tác tuyên truyền vẫn là nhiệm vụ hàng đầu cần quan tâm, chú trọng, do biến đổi khí hậu ngày càng khó dự báo chính xác. Người dân cần được tuyên truyền để sẵn sàng ứng phó trong bất kỳ thời điểm nào.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị, công tác phòng, chống thiên tai cần hoàn thiện quy phạm pháp luật, cập nhật đề án xây dựng nhận thức cộng đồng về thiên tai, xác định cơ cấu các loại hình thiên tai, cập nhật bản đồ động đất của cả nước. Yêu cầu xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai và trình Ban Chỉ đạo những giải pháp cụ thể đối với những địa phương có nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát cân bằng nước các vùng. Tới đây, do tình trạng thiếu nước sẽ xảy ra thường xuyên hơn, rất cần đến các giải pháp bù nước. Mặt khác, cần xây dựng các phương án truyền thông để phổ cập đến người dân về khu vực những chịu ảnh hưởng của lũ quét, khu vực chịu ảnh hưởng của mưa lớn./.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()