Vai trò thiết yếu
Căn cứ vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020 với định hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5-7%/năm và dự báo nhu cầu điện tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2016-2020 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trên toàn quốc. Theo đó, tăng trưởng nhu cầu điện tính toán theo hai kịch bản, bình quân 11,6%/năm (phương án cơ sở) và 13%/năm (phương án cao). Cũng theo tính toán của EVN, hệ thống điện miền bắc và miền trung có thể bảo đảm tốt việc cấp điện cho các phụ tải trong khu vực và có dự phòng. Tuy nhiên, miền nam sẽ không thể tự cân đối cung – cầu nội miền, sản lượng điện thiếu hụt hằng năm khoảng 10-15% tổng nhu cầu miền. Do đó, hệ thống điện truyền tải 500 kV bắc – nam giữ vai trò đặc biệt quan trọng và luôn trong tình trạng mang tải cao để truyền tải điện từ miền bắc, miền trung cấp cho miền nam. Giai đoạn 2017 – 2020, do nhu cầu sử dụng cao, cho nên sản lượng điện miền nam phải nhận từ miền bắc, miền trung sẽ tăng từ 15 tỷ kW giờ (năm 2017) lên tới 21 tỷ kW giờ (năm 2019). Tuy vậy, năng lực truyền tải điện vào miền nam hiện chỉ đáp ứng được 18,5 tỷ kW giờ/năm (đạt ngưỡng giới hạn truyền tải bắc – nam) do khả năng truyền tải từ miền bắc vào miền trung chỉ đạt tối đa 14-15 tỷ kW giờ/năm. Do đó, với phương án phụ tải tăng trưởng 11,6%/năm, miền nam có thể thiếu khoảng 2 tỷ kW giờ điện vào năm 2019; với phương án phụ tải tăng 13%/năm, sẽ bị thiếu từ 1,4 tỷ đến 4,2 tỷ kW giờ trong các năm 2018 – 2020. Vì vậy, ngoài việc tăng cường năng lực truyền tải điện trục bắc – nam bằng dự án đường dây 500 kV Vũng Áng – Dốc Sỏi – Plây Cu 2 việc phát triển các nguồn phát điện tại chỗ cũng là nhu cầu bức thiết nhằm bảo đảm đủ điện cho miền nam trong giai đoạn tới.
Trong khi đó, tiềm năng phát triển thủy điện khu vực miền nam rất ít, hầu như đã được khai thác để đầu tư phát triển và các dự án thủy điện mới trong thời gian tới là không đáng kể. Ngoài ra, các NMNĐ khí dự kiến đầu tư mới đến năm 2030 chỉ có thể đạt công suất khoảng 5.000 – 6.000 MW. Như vậy, vai trò chủ đạo để cấp điện cho miền nam thời gian tới sẽ là các NMNĐ than, tiếp đến mới là các NMNĐ khí. Tại buổi làm việc gần đây với EVN, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo để bảo đảm đủ điện cho miền nam, phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong những năm tới, bên cạnh việc tăng năng lực truyền tải điện trục bắc – nam thì phát triển các dự án nhiệt điện tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là giải pháp phù hợp nhất. Phó Thủ tướng chỉ đạo, EVN cần tập trung đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện để sớm đưa vào khai thác các NMNĐ trong khu vực. Những nhà máy đã xây dựng xong thì đưa vào sử dụng càng sớm càng tốt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng dầu chạy các NMNĐ (đắt hơn gấp hai lần so với than và chắc chắn sẽ phải bù lỗ rất lớn).
Chú trọng vấn đề môi trường
Rõ ràng, nhiệt điện than đang giữ vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các tỉnh phía nam nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, việc phát triển NMNĐ than cũng gây ra không ít lo ngại, nhất là về môi trường. Nhiều người còn nhớ, vào thời điểm tháng 4-2015, tại NMNĐ Vĩnh Tân 2 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) đã xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng khi gió lốc đưa lượng xỉ lớn phát tán trong không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân sống chung quanh. Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân Thiên Thanh Sơn thừa nhận, do áp lực cấp điện cho miền nam vô cùng cấp thiết, nên khi đưa NMNĐ Vĩnh Tân 2 vào hoạt động chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và còn thiếu kinh nghiệm quản lý từ cả địa phương lẫn nhà máy đã dẫn tới sự cố môi trường không đáng có. Để khắc phục, thời gian qua, công ty đã cho triển khai nhiều giải pháp với quy trình nghiêm ngặt để giám sát tốt các vấn đề có thể ảnh hưởng đến môi trường. Theo Phó Giám đốc Thiên Thanh Sơn, đối với NMNĐ than, vấn đề ô nhiễm môi trường có thể gây ra bởi khói, bụi than và nguồn tro xỉ thải. Để xử lý nguy cơ ô nhiễm từ bãi xỉ thải, nhà máy đã quy hoạch bãi xỉ theo 16 ô, thường xuyên tưới nước, lu lèn để kiểm soát được bụi; đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động để bảo đảm khi gió lớn, toàn bộ bãi xỉ được tưới giữ ẩm và không phát tán bụi ra bên ngoài. Về tình trạng khói đen khi khởi động, đơn vị đã cải tiến hệ thống ống lọc bụi tĩnh điện (ESP), lắp đặt và đưa vào vận hành ngay từ khi bắt đầu khởi động lò hơi. Đối với hệ thống nước thải bao gồm nước làm mát, nước sản xuất và nước sinh hoạt đều được xử lý tập trung và tái sử dụng tối đa phục vụ nhu cầu dập bụi tại kho than, vệ sinh băng tải than và tưới giữ ẩm bãi xỉ. Phần còn lại thải ra môi trường đều bảo đảm các thông số phát thải nằm trong giới hạn cho phép được giám sát bằng hệ thống quan trắc, có báo cáo cơ quan chức năng theo quy định. Để xử lý lượng tro xỉ thải ra vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh về việc tiêu thụ toàn bộ tro xỉ của nhà máy để sản xuất vật liệu xây dựng với thời gian thực hiện hợp đồng là 28 năm tính từ ngày 1-1-2017. Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong Nguyễn Trung Trực chia sẻ, sau sự cố môi trường xảy ra hồi tháng 4-2015, NMNĐ Vĩnh Tân 2 đã khắc phục rất tốt. Địa phương cũng tham gia giám sát các hoạt động môi trường của nhà máy trên ba kênh: Chính quyền tỉnh – huyện – xã giám sát; nhân dân giám sát và giám sát qua hệ thống quan trắc (kênh này có thể giám sát được từ điện thoại). Hiện nay, tình trạng ô nhiễm do bụi từ nhà máy không còn, nhân dân khu vực chung quanh nhà máy đã ổn định cuộc sống và đồng thuận với các giải pháp giám sát môi trường của chính quyền.
Tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, Trà Vinh), bãi xỉ của NMNĐ Duyên Hải 1 có diện tích 31 ha, dự kiến chứa tro, xỉ vận hành ở chế độ đầy tải khoảng 2,5 năm. Để kiểm soát vấn đề môi trường tại bãi xỉ, nhà máy đã thiết kế chống thấm, có đê quây nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm trong khu vực; lắp đặt đường ống phun nước tự động trên bề mặt nhằm tạo ẩm, tránh phát tán bụi từ bãi xỉ vào môi trường không khí; trồng cây quanh khu vực, hạn chế tác nhân gây phát sinh bụi từ bãi tro, xỉ và sử dụng vận chuyển tro, xỉ từ si-lô ra bãi xỉ là xe chuyên dụng kín. Ngoài ra, đơn vị chủ quản nhà máy là Tổng công ty Phát điện 1 cũng đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm tìm kiếm khả năng tái sử dụng tro. Theo đó, ký hợp đồng mua bán tro, xỉ với ba doanh nghiệp với số lượng hơn 1,5 triệu tấn/năm; ký hợp đồng nguyên tắc và các văn bản tương đương với sáu đối tác khác về việc mua bán tro, xỉ; tiếp cận 19 doanh nghiệp, đơn vị để đến lấy mẫu tro, xỉ phục vụ mục đích thử nghiệm. Tổng lượng tro, xỉ được thử nghiệm và làm vật liệu đến thời điểm tháng 8-2016 của NMNĐ Duyên Hải 1 khoảng 37 nghìn tấn.
Rõ ràng, việc bảo đảm vệ sinh môi trường ở các NMNĐ là yêu cầu hết sức cấp bách hiện nay, thể hiện đúng quan điểm của Chính phủ, không vì phát triển kinh tế mà đánh đổi môi trường.
Ý kiến ()