Cần chủ động phòng ngừa
LSO-Nghỉ hè là dịp các em nhỏ tạm gác lại việc học tập để vui chơi, tham quan, dã ngoại. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ thường xảy ra, gây bất an cho xã hội.
Bể bơi xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định thu hút đông đảo trẻ em đến tập và học bơi |
Theo bà Hà Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), tai nạn đuối nước là vấn đề mang tính toàn cầu. Đối với trẻ em, tai nạn đuối nước thường xảy ra khi tham gia các hoạt động vui chơi như: tắm ở ao, hồ, sông, suối không có biển báo, các em không ý thức được hết sự nguy hiểm; không có sự giám sát của người lớn.
Lạng Sơn có nhiều sông, suối, ao, hồ, đập, nhiều nơi chưa có cầu kiên cố bắc qua sông, suối, người dân vẫn phải dùng bè, mảng để đi lại. Cùng với đó, các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ, nhất là ở vùng nông thôn còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu, vì vậy, ở nhiều nơi vào dịp hè, trẻ thường vui chơi, tắm mát ở sông, suối, ao, hồ. Đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ.
Những năm qua, số trẻ em tử vong do đuối nước luôn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể: năm 2016, toàn tỉnh có 172 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong số 27 trẻ tử vong thì có đến 21 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm 77,7%. Từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 111 vụ tai nạn thương tích khiến 9 trẻ em tử vong, trong đó có 8 trẻ tử vong do đuối nước, chiếm 88,8%. Qua số liệu cho thấy, trẻ em tử vong do tai nạn thương tích phần lớn là đuối nước. Nhiều người hẳn chưa quên vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra tại xã Khánh Khê, huyện Văn Quan vào ngày 25/6/2016. 6 em học sinh rủ nhau đi tắm tại đoạn sông Kỳ Cùng, khu vực cầu Khánh Khê, khi gặp vùng nước sâu và xiết, 5 em đã bị nước cuốn trôi, trong đó 4 em tử vong, 1 em được người dân cứu sống. Các em đều không biết bơi.
Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, thời gian qua, các cấp, ngành đã có nhiều hoạt động thiết thực như: phát động phong trào học bơi, dạy bơi tại một số địa bàn có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước. Từ đầu năm 2017 đến nay, Sở LĐTB&XH đã phối hợp mở được 8 lớp dạy bơi cho trẻ em tại các huyện: Bình Gia, Văn Quan, Văn Lãng, Tràng Định với khoảng 240 em tham gia, nhằm trang bị cho các em kỹ năng bơi và khả năng tự ứng phó khi gặp tại nạn đuối nước. Anh Nguyễn Trần Viễn, giáo viên dạy bơi tại bể bơi thôn Thâm Luông, xã Hùng Sơn, huyện Tràng Định cho biết: Hiện lớp tập bơi có 10 cháu từ 7 đến 15 tuổi. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng LĐTB&XH huyện mở thêm nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em.
Cùng với việc tổ chức các lớp dạy bơi, nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, tai nạn đuối nước nói riêng cho trẻ em, Sở LĐTB&XH còn triển khai nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, đến nay đã có 11 huyện, thành phố với 24 xã, phường, thị trấn đăng ký thực hiện mô hình; trên 40% số hộ đăng ký được công nhận “Ngôi nhà an toàn”.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, để phòng, chống đuối nước cho trẻ hiệu quả rất cần sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các bậc phụ huynh. Trước hết, các gia đình cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong quản lý, giám sát con trẻ, chủ động trang bị kỹ năng bơi cho trẻ; tuyên truyền, trang bị cho các em kiến thức phòng, chống đuối nước; kịp thời cung cấp thông tin, cảnh báo người dân về những địa điểm, khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước.
TUẤN ANH
Ý kiến ()