Cần chủ động ngăn ngừa người tâm thần, loạn thần gây án
(LSO) – Thời gian qua, tình trạng người tâm thần, loạn thần hoặc có biểu hiện thần kinh không bình thường vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn biến khá phức tạp. Không chỉ gây thương tích, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng mà có trường hợp dẫn đến giết người, gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng Nhân dân. Do vậy, công tác phòng ngừa các đối tượng này gây án là hết sức quan trọng, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Điển hình, ngày 30/1/2021, do uống rượu say, trong lúc ông L.V.T đang ngủ, đối tượng Lương Văn Cối (là con trai ông T), sinh năm 1991, trú tại thôn Suối Lông, xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình đã đổ dầu lên người và châm lửa đốt khiến ông T bị bỏng nặng, sau đó đã tử vong. Được biết, đối tượng Cối thường xuyên uống rượu, thời gian gần đây có dấu hiệu loạn thần.
Cán bộ Khoa Ngoại, Thần kinh, Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân bị thương tích do đối tượng thần kinh không bình thường gây ra
Trước đó, ngày 24/1/2021, tại thôn Nà Nùng, xã Hữu Lễ, huyện Văn Quan, đối tượng Nông Văn Doòng, sinh năm 1954, trú tại địa chỉ trên cầm dao đến nhà anh Hoàng Văn Hoàn, sinh năm 1970, người cùng thôn chém anh Hoàn và vợ con anh bị thương nặng. Theo tìm hiểu, đối tượng Doòng bị trầm cảm, thường xuyên sử dụng rượu.
Không chỉ 2 vụ việc trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ việc do đối tượng tâm thần, loạn thần hoặc người có biểu hiện không bình thường gây ra và phần lớn là các vụ trọng án. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh, trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 4 vụ, trong đó có 3 vụ giết người, 1 vụ hủy hoại tài sản do người tâm thần gây ra. Từ đầu năm 2021 đến nay xảy ra 4 vụ giết người, gây thương tích do các trường hợp loạn thần, động kinh, thần kinh không ổn định gây ra. Nạn nhân của các vụ án phần lớn là người thân, hàng xóm của đối tượng.
Có thể nói, qua các vụ việc gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng người liên quan đến bệnh tâm thần gây án. Theo kết quả rà soát của ngành chức năng, trên địa bàn hiện có hơn 2.800 người mắc bệnh tâm thần, động kinh có hồ sơ quản lý, điều trị. Trong đó có gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tâm thần, hơn 1.260 trường hợp mắc bệnh động kinh. Ngoài ra, có 262 người sử dụng ma túy tổng hợp nguy cơ cao dẫn tới ảo giác, loạn thần. Các trường hợp này tiềm ẩn nguy cơ phạm tội, hành vi vi phạm pháp luật, gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Thượng tá Nguyễn Mai Thiện, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh cho biết: Trước thực tế trên, thời gian qua, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa các vụ án do đối tượng tâm thần, loạn thần gây ra. Mới đây nhất, ngày 2/3/2021, Công an tỉnh đã có điện chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thành phố về nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng ngừa. Trong đó, tiến hành rà soát, thống kê, lập danh sách những người tâm thần, sang chấn về tâm lý, vận động gia đình không giấu thông tin, đưa người bệnh đi chữa trị tại các cơ sở y tế Nhà nước, báo ngay cho cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng khi họ có biểu hiện bất thường.
Cùng với đó, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm của các hành vi lệch chuẩn, mất kiểm soát, tác hại của việc lạm dụng rượu bia, chất kích thích, các loại ma túy tổng hợp… đến sức khỏe, thần kinh con người; làm tốt công tác trực ban, tiếp nhận, giải quyết tin báo, hướng dẫn người dân đề cao cảnh giác, phòng tránh, không để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng…
Trong các giải pháp trên, thiết nghĩ, yếu tố gia đình là quan trọng hàng đầu. Mỗi gia đình cần chú ý đến việc quản lý, chăm sóc người bệnh, tuân thủ các phác đồ điều trị theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Bên cạnh đó, không để người bệnh sử dụng các chất kích thích hoặc tiếp xúc với những công cụ có khả năng gây sát thương, tránh những hành vi, lời nói làm họ kích động.
Ý kiến ()