Cần chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho nhà khoa học
Hiện nay, chế độ đãi ngộ, tiền lương, cơ sở vật chất hạ tầng nhằm tạo điều kiện làm việc cho các nhà khoa học vẫn còn hạn chế khiến nhiều nhà khoa học lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu của nước ngoài, vô hình trung khiến hiện tượng “chảy máu chất xám” ngày càng trầm trọng.
Do đó, Nhà nước cần có các chính sách đãi ngộ thỏa đáng, cải cách tiền lương để bảo đảm thu nhập cho nhà khoa học.
Lương tiến sĩ khoa học… 5 triệu đồng/tháng
Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, chế độ tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức tại các viện nghiên cứu vẫn còn thấp. Đơn cử, tại Viện Di truyền Nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lương của cán bộ, cử nhân ra trường sau khi trừ bảo hiểm và các khoản chi phí chỉ còn hơn 3 triệu đồng. Với mức lương như vậy thật khó để duy trì cuộc sống chi tiêu hằng ngày của cá nhân, chưa kể còn có gia đình, con cái. Không chỉ người trẻ, mức lương của tiến sĩ khoa học tại đây cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với các nghiên cứu viên cao cấp như giáo sư, phó giáo sư thì lương từ 9 triệu đồng đến 13 triệu đồng/tháng.
Các nhà khoa học của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. |
Ngoài ra, theo cơ chế mới về tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ sở nghiên cứu, lương cấp cho nhà khoa học đang giảm dần. Ở nhiều viện, nhà nghiên cứu chỉ nhận được hơn một nửa số lương, số còn lại gộp cùng kinh phí nhà nước để cấp cho nhiệm vụ KH-CN. Nhưng nhiệm vụ KH-CN không phải lúc nào cũng có và cũng không phải người nào cũng được tham gia thực hiện. Do đó, nhiều nhà khoa học đã lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu của nước ngoài để nâng cao thu nhập, vô hình trung khiến hiện tượng “chảy máu chất xám” ngày càng trầm trọng.
PGS, TS Trần Tuấn Anh, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam chia sẻ: Thực tế, hiện nay, lương của các nhà khoa học còn thấp, phụ cấp không có, lĩnh vực nghiên cứu KH-CN vì thế không phải là lựa chọn của nhiều người trẻ. Chỉ tính riêng tại Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, tỷ lệ các nhà khoa học trẻ chỉ khoảng 30%. Vì vậy, các nhà khoa học trẻ thường lựa chọn làm việc cho các doanh nghiệp bên ngoài, bởi cơ chế về tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học thông thoáng hơn, lương cũng cao hơn gấp nhiều lần.
Với chính sách đãi ngộ như vậy, việc thu hút nhân tài trong nước làm nghiên cứu khoa học đã khó thì việc kêu gọi những nhà khoa học là người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về nước cống hiến trí tuệ càng khó khăn hơn. Theo ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, KH-CN (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài), nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn băn khoăn, nghi ngại, chưa yên tâm về làm việc lâu dài ở Việt Nam, thậm chí có một số trường hợp đã về nước làm việc ổn định nhưng lại phải trở ra nước ngoài. Nguyên nhân là do các chính sách đãi ngộ cho nhà khoa học chưa bảo đảm, nhiều nơi chưa chú trọng cách sử dụng nhân tài cho hiệu quả, môi trường làm việc chưa phù hợp, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nghiên cứu khoa học và môi trường học thuật chuyên nghiệp trong nước còn hạn chế; khác biệt về thể chế; nhận thức không tương đồng về các vấn đề, đặc biệt các vấn đề chuyên môn sâu giữa trí thức Việt Nam ở nước ngoài và các đồng nghiệp trong nước…
Hy vọng ở cải cách tiền lương
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH-CN cho rằng, theo Luật KH-CN năm 2013, các nhà khoa học đầu ngành, người chủ trì các nhiệm vụ KH-CN quốc gia, nhà khoa học trẻ tài năng được đề xuất kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai các nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách gặp nhiều vướng mắc, bởi ngân sách nhà nước hạn hẹp, nhiều quy định chưa đồng bộ với các luật khác… Bộ KH-CN đã rà soát những vướng mắc và tới đây, khi sửa đổi Luật KH-CN, Bộ dự kiến bổ sung làm rõ thế nào là nhà khoa học, nhà khoa học đầu ngành để có ưu đãi tương ứng với các chức danh này.
Theo bà Phạm Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH-CN, hiện nay đã có một số giải pháp góp phần cải thiện vấn đề thu nhập cho các nhà khoa học. Trước hết, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương (được thực hiện từ năm 2024) thì tiền lương sẽ được chi trả theo vị trí việc làm. Khi đó sẽ có cơ chế để thực hiện việc chi trả tiền lương xứng đáng với vị trí, đóng góp của từng nhà khoa học. Hơn nữa, Bộ KH-CN đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm mang tính đặc thù, phù hợp với tổ chức KH-CN công lập. Dự kiến những nội dung sửa đổi, bổ sung đó sẽ giao cho thủ trưởng tổ chức KH-CN quyền được tự chủ một cách toàn diện. Trong tự chủ toàn diện, có nội dung hết sức quan trọng là tự chủ trong công tác nhân sự, tức là tự chủ trong việc tuyển chọn, tuyển dụng, chi trả lương. Đây là các giải pháp góp phần cải thiện thu nhập cho những nhà khoa học có đóng góp, cống hiến xứng đáng.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, từ năm 2017 đến nay, chi ngân sách cho KH-CN đang giảm dần; năm 2023, chi cho KH-CN chiếm 0,82% tổng chi ngân sách. Trong khi đó, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Bộ Chính trị đều quy định phải bảo đảm từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách dành cho KH-CN và trung tâm đổi mới sáng tạo. Do vậy, TS Nguyễn Quân đề xuất Nhà nước cần bảo đảm việc chi ngân sách hằng năm dành cho KH-CN; tăng cường kiểm tra, giám sát để các nghị định, thông tư đã ban hành được thực hiện nghiêm túc nhất, đầy đủ nhất. Ngoài ra, các đơn vị cần tin tưởng, giao việc, tạo điều kiện về môi trường làm việc, chế độ thu nhập thỏa đáng cho các nhà khoa học để họ yên tâm nghiên cứu, cống hiến trí tuệ xây dựng đất nước.
Ý kiến ()