Cần chính sách đặc thù
LSO-Tháng 9/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 210/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây được coi là cú hích, là động lực giúp sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tiễn địa bàn, tỉnh cần có chính sách đặc thù.
Chăn nuôi gia cầm quy mô lớn tại Công ty TNHH Một thành viên Hoàng Kiên (xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn) |
Những dự án đầu tiên
Thực hiện chính sách, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các cấp, ngành hữu quan triển khai tuyên truyền, tổ chức hội nghị tham vấn các doanh nghiệp về chính sách này. Tháng 7/2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2016 – 2020.
Kết quả thực hiện hỗ trợ, ưu đãi đầu tư trong giai đoạn 2014-2016, có 5 dự án (nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn; trang trại lợn sạch Xuân Thái; trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt; trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt Cánh Đồng Vàng; nhà máy giết mổ bò và gia súc Cánh Đồng Vàng) đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 210.
Trong đó, 2 dự án (nhà máy chế biến gỗ công nghệ cao Lạng Sơn; trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt) được phê duyệt hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương là chủ yếu. Tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ được phê duyệt là 93,543 tỷ đồng, đạt 82% so với tổng nhu cầu vốn trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.
Với tổng vốn đầu tư hạ tầng khoảng 15 tỷ đồng, thụ hưởng chính sách theo Nghị định 210, dự án trang trại chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Cửa Đông được hỗ trợ 7 tỷ đồng. Ông Sầm Tiến, Giám đốc Công ty chia sẻ: phần hỗ trợ từ chính sách đã tạo điều kiện rất nhiều cho doanh nghiệp, tiếp thêm nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Vướng mắc nảy sinh
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vướng mắc. Nghị định số 210 quy định về lĩnh vực, quy mô và điều kiện hỗ trợ đa phần chưa phù hợp với khả năng, tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bởi có tới 95% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, siêu nhỏ. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp với quy mô không lớn, chưa tạo được sản phẩm có thương hiệu đảm bảo tiêu thụ ra thị trường, đa phần mang tính nhỏ lẻ, tự phát.
Một số lĩnh vực khuyến khích đầu tư mang tính chất đặc thù của địa phương chưa được quy định cụ thể như: cơ sở chăn nuôi gia cầm, chế biến nông lâm sản và vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn; vùng trồng dược liệu (là những sản phẩm chủ lực, thu hút đầu tư thuộc lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt của tỉnh). Do đó, tỉnh gặp khó khăn trong thực hiện thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo lĩnh vực, sản phẩm chủ lực.
Mặt khác, theo bà Lương Mai Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư hiện nay trên địa bàn tỉnh có 47,12% hợp tác xã đăng ký hoạt động trong các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Một số hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; áp dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, sản xuất theo quy trình, quy mô đầu tư lớn. Tuy nhiên chưa có cơ sở pháp lý để xem xét hỗ trợ theo Nghị định 210, bởi đối tượng áp dụng, được hỗ trợ đầu tư là doanh nghiệp, không bao gồm hợp tác xã.
Xây dựng chính sách
Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng với các ngành hữu quan đang tham mưu cho UBND tỉnh chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Không chỉ còn là trên ý tưởng mà chính sách này đã được dự thảo rất cụ thể và đưa ra bàn, thảo luận tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh trong thời gian vừa qua. Chỉ đạo về việc xây dựng chính sách, đồng chí Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: căn cứ Nghị định 210 để quy định các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư và các sản phẩm cần ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Đối tượng được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư là các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ, hộ sản xuất có quy mô nhất định, dưới ngưỡng đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 210; đồng thời bám sát định hướng sản phẩm chủ lực của tỉnh theo thứ tự: lâm nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt (rau, cây đặc sản) để xác định các nhóm dự án được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Cần có hình thức hỗ trợ lãi suất vay tín dụng và một số hình thức hỗ trợ khác phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
UBND tỉnh cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã và các cơ quan liên quan khảo sát một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất để xác định cụ thể nhu cầu hỗ trợ thực tế, đề xuất chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, có tính khả thi… Khẩn trương hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 8/2016.
Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sẽ tạo động lực rất lớn để khu vực này phát triển. Từ đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Nâng hiệu quả sản xuất, cũng có nghĩa là nâng cao thu nhập cho nhà nông, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()