Cần chiến lược tổng thể thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội).
Sau 20 năm tiếp cận dòng vốn ODA lớn và tương đối ổn định từ cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, tỷ trọng vốn ODA trong tổng thu nhập quốc dân của Việt Nam đang giảm dần và hiện chiếm chưa đến 2% GDP. Tuy nhiên, các cơ quan hoạch định chính sách bắt đầu cảnh báo: Bên cạnh những mặt tích cực, ODA và vốn vay ưu đãi cũng đang bộc lộ những hạn chế nhất định, nếu không cân nhắc kỹ có thể rơi vào bẫy “ODA và vay ưu đãi”.
Lãi suất cao, giải ngân chậm
Vướng mắc lớn nhất trong quản lý, sử dụng vốn ODA giai đoạn 2016 – 2017 là lãi suất tăng cao; thiếu vốn đối ứng; điều chỉnh tổng mức dầu tư; thay đổi trong quy trình, thủ tục và tính chất của công tác lập kế hoạch giải ngân. Đây là những nguyên nhân khiến hiệu quả sử dụng vốn vay ODA ở nhiều dự án chưa cao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho biết, Việt Nam đã “tốt nghiệp” nguồn vốn IDA (nguồn vốn vay với lãi suất bằng không, cung cấp cho các nước nghèo) của Ngân hàng Thế giới (WB) từ ngày 1-7-2017 và tiến tới chính thức “tốt nghiệp” nguồn vốn ADF (nguồn vốn vay có kỳ hạn và lãi suất đều, ưu đãi hơn cho người vay) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) từ ngày 1-1-2019 cho nên bắt đầu phải vay vốn với lãi suất tăng lên, thời gian ân hạn giảm. Thay vì tiếp cận nguồn tài chính từ WB và ADB, Việt Nam sẽ chuyển sang nguồn vốn vay ưu đãi IBRD (Ngân hàng quốc tế tái thiết và phát triển, thuộc WB) với lãi suất 3% đến 4%/năm và vốn vay thông thường với lãi suất khoảng 3,51% đến 5,1%/năm tùy thuộc kỳ hạn vay.
Đối với các nhà tài trợ song phương, vay ODA Hàn Quốc có lãi suất dao động từ 0% đến 2% tùy điều kiện đấu thầu, vay ODA Ấn Độ có lãi suất khoảng 1,75%/năm,… Với đối tác song phương lớn nhất là Nhật Bản, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 1-10-2017, Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh giảm mức ưu đãi, tăng lãi suất cho vay từ mức 1,2%/năm lên 1,5%/năm (lãi suất vay thông thường), kèm các loại phí khác. Các khoản vay trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, y tế, môi trường, dạy nghề, biến đổi khí hậu cũng tăng lãi suất từ mức 0,3%/năm lên 1%/năm. Bên cạnh đó, phía Nhật Bản đặt ra các điều kiện tương đối khắt khe với bên nhận tài trợ như các quy định về chính sách thuế đối với nhà thầu, tư vấn Nhật Bản; quy định về ràng buộc xuất xứ nhà thầu, phương thức mua sắm, nhằm tạo thuận lợi cho nhà thầu Nhật Bản.
Về tình hình giải ngân, Bộ KHĐT cho biết, dự báo mức giải ngân ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 26 đến 30 tỷ USD, bình quân mỗi năm khoảng 5 đến 6 tỷ USD. Nhưng trong thực tế, năm 2016 chỉ giải ngân được 3,7 tỷ USD và năm 2017 giải ngân 3,6 tỷ USD, rất thấp so với kế hoạch. Việc chậm giải ngân xuất phát từ những nguyên nhân, vướng mắc đã tích tụ từ giai đoạn trước nhưng chưa được giải quyết triệt để như thiếu vốn đối ứng, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh dự toán, thay đổi thiết kế, năng lực ban quản lý nhà thầu hoặc dự án, thay đổi thủ tục và chính sách,… Đáng lưu ý, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra với phần lớn các dự án đường sắt đô thị. Cụ thể, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo đội vốn từ 19,5 nghìn tỷ đồng lên 51,7 nghìn tỷ đồng, sau khi thẩm định lại đề nghị điều chỉnh xuống 33,5 nghìn tỷ đồng; dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông tăng từ 8.700 tỷ đồng lên 47,3 nghìn tỷ đồng, dự án đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, đoạn Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17,3 nghìn tỷ đồng lên 47,3 nghìn tỷ đồng.
Có quyền chọn lọc nhà tài trợ
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn mới, vị thế đã khác, những đòi hỏi, mục tiêu phát triển của đất nước đã có những thay đổi cho nên phải có tầm nhìn dài hạn cho giai đoạn sau năm 2020 với quan điểm chọn lọc nhà tài trợ, chọn lọc những khoản vay phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cho đất nước. Nguyên tắc là không có “bữa trưa miễn phí”, phải tính toán lợi ích, chi phí đo lường của các khoản vay ODA, đánh giá mang lại hiệu quả cho nền kinh tế mới tiếp nhận. Đừng cho rằng ở vị thế đi vay, Việt Nam không có quyền đàm phán về điều kiện. Trên thị trường tín dụng, trước đây người đi vay đến ngân hàng xin được vay vốn nhưng giờ đây ngân hàng phải đi tìm doanh nghiệp, tìm dự án tốt để xin được cho vay. Tài chính đối ngoại cũng vậy, vị thế của Việt Nam đã khác. Chúng ta hoàn toàn có thể đưa ra các ràng buộc cứng với nhà tài trợ, quy định điều kiện đi vay không được kèm theo các điều khoản ràng buộc phi tài chính. Bên cho vay chỉ được quyền đưa ra các quy định về lãi suất, thời gian ân hạn, không có quyền yêu cầu phải mua nguyên vật liệu hay sử dụng lao động của ai.
Bên cạnh đó, cần nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan được giao quản lý, sử dụng vốn ODA, nếu khoản vay đó có tai tiếng, không hiệu quả, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. “Mặc dù có những hạn chế như một số dự án sử dụng vốn ODA không hiệu quả, lãng phí nhưng không nên đoạn tuyệt vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong tương lai, Việt Nam vẫn cần đến nguồn vốn này, vấn đề là phải xây dựng được một chiến lược tổng thể cho việc thu hút và sử dụng hiệu quả trong thời gian tới, không để dàn trải, manh mún, sai đâu vá đó như thời gian qua”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh.
Về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA từ nay đến năm 2020, Bộ KHĐT đề xuất cần tập trung sử dụng vốn vay vào một số lĩnh vực chủ chốt, công trình trọng điểm thật sự quan trọng, có tính lan tỏa rộng, kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng. Việc huy động và sử dụng vốn ODA cần được xem xét trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư công, hạn mức vay nợ và khả năng cân đối trả nợ của ngân sách nhà nước. Bảo đảm nguyên tắc vốn vay ODA, vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.
Theo Luật Quản lý nợ công, từ ngày 1-7-2018, Bộ Tài chính là đầu mối duy nhất quản lý nợ công, thay vì phân tán tại ba cơ quan gồm cả Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ KHĐT như trước đây. Phó Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Hoàng Hải cho biết, đơn vị đã chủ động đánh giá tình hình triển khai thực tế (về quy trình đàm phán, ký hiệp định khung, quy trình xây dựng danh mục dự án vay, nội dung hiệp định khung,…) báo cáo lãnh đạo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ tổng thể về hiệp định khung. Việc quy về một đầu mối quản lý sẽ giúp việc giải trình, báo cáo về quá trình đàm phán, ký kết cũng như xác định nguyên tắc cần thiết đối với khoản vay tốt hơn, bảo đảm trách nhiệm giải trình trong quản lý nợ công. Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ODA, các đơn vị tiếp nhận phải có năng lực chuẩn bị dự án rõ ràng, đầy đủ, minh bạch thông tin, lấy ý kiến của các bộ, ngành, từ đó mới có đủ cơ sở trao đổi với nhà tài trợ về sự cần thiết của dự án.
Đến nay, Việt Nam đã ký các hiệp định vay hơn 84 tỷ USD vốn ODA, tập trung chủ yếu vào một số nhà tài trợ như WB khoảng 29%, ADB khoảng 20%, Nhật Bản 34%, Trung Quốc 4%, Hàn Quốc 4%, Pháp 3%… Dư nợ nước ngoài của Chính phủ tính đến năm 2017 là hơn 45,8 tỷ USD, tỷ lệ nợ nước ngoài chiếm khoảng 20,52%. (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư) |
Theo Nhandan
Ý kiến ()