Cần chiến lược phát triển dài hạn với ngành thép
Ngày 15-11, Bộ Công thương cho biết, quá trình rà soát Quy hoạch ngành thép cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Đủ thép xây dựng, thiếu thép cán nóng
Bộ Công thương cho rằng, với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép và thép xây dựng. Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng sáu triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước.
Đối với thép cuộn cán nóng, Việt Nam mới chỉ có duy nhất dự án Liên hợp thép Formosa Hà Tĩnh với công suất 7,5 triệu tấn, sử dụng lò cao dung tích 4.530m3 đã được đầu tư xây dựng. Khi đi vào hoạt động sẽ là khu liên hợp thép đầu tiên tại Việt Nam sản xuất được các sản phẩm thép tấm cán nóng sẽ làm thay đổi diện mạo ngành thép Việt Nam. Tuy nhiên, sự cố tháng 5-2014 và sự cố về môi trường vừa qua khiến dự án đang bị chậm tiến độ.
Ngoài Dự án Formosa, trong thời gian tới, ngành thép Việt Nam không có dự án sản xuất thép tấm cán nóng được triển khai, nhập siêu ngành thép đối với chủng loại này sẽ tiếp tục gia tăng.
Đủ lực phát triển ngành thép, giảm nhập siêu
Theo Bộ Công thương, trước đây, các doanh nghiệp trong nước không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật nên Việt Nam phải kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư các Khu luyện thép liên hợp. Đến nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực, có thể đầu tư các tổ hợp thép có quy mô lớn mà không cần đến các nhà đầu tư FDI.
Bộ Công thương đánh giá: Nếu chúng ta không phát triển các dự án Khu liên hợp luyện thép lò cao để sản xuất các loại thép phục vụ ngành cơ khí chế tạo sẽ có một nghịch lý là sở hữu lượng quặng sắt rất lớn và các chất trợ dung, phụ liệu sản xuất nhưng ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp quốc phòng và đóng tàu phục vụ kinh tế biển lại phụ thuộc hoàn toàn vào thép nhập khẩu với khối lượng lớn. Theo Bộ Công thương: “Điều này gây ra tình trạng nhập siêu lớn cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn tới sự ổn định kinh tế vĩ mô”.
Nhiều lợi thế làm thép quy mô lớn
Các loại thép sản xuất trong nước có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thép nhập khẩu trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng, không có yếu tố trợ giá. Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tiến hành các biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu có trợ giá của nước ngoài. Giai đoạn này là thời điểm thích hợp để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp thép.
Trên cơ sở xem xét các yếu tố cạnh tranh cho thấy, ngành thép Việt Nam có một số lợi thế về cạnh tranh như sau:
Việt Nam có lợi thế nguồn nguyên liệu đầu vào, có trữ lượng quặng sắt lớn, khoảng 1,3 tỷ tấn, trong đó mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 550 triệu tấn, đã hoàn thành các giai đoạn chuẩn bị đầu tư song chưa thể đưa vào khai thác do công suất các lò cao trong nước còn nhỏ, nhu cầu tiêu thụ quặng sắt không nhiều. Để bảo đảm sự ổn định trong quá trình vận hành, các dự án Luyện thép liên hợp lớn sử dụng quặng sắt nhập khẩu phải dự trữ lượng nguyên liệu tối thiểu cho 90 ngày/365 ngày hoạt động. Vì vậy, nếu sử dụng quặng sắt trong nước sẽ giảm được khối lượng quặng dự trữ, giảm được chi phí vốn lưu động, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Bộ Công thương phân tích, nếu xây dựng được các khu luyện thép liên hợp có công suất 7-10 triệu tấn/năm, mỗi năm chúng ta có thể khai thác được khoảng 15 triệu tấn quặng sắt từ mỏ sắt Thạch Khê và các mỏ sắt khác trong nước. Lượng quặng sắt trong nước đủ dùng cho khoảng thời gian 30 năm. Với giá quặng nhập khẩu hiện nay khoảng 60 USD/tấn thì mỗi năm sẽ đóng góp khoảng 900 triệu USD vào giá trị sản xuất nội địa, tương đương 2 triệu tấn dầu thô theo thời giá hiện nay, đóng góp khoảng 0,3% GDP (năm 2015, GDP Việt Nam khoảng 193 tỷ USD). Đồng thời, sẽ góp phần hạn chế nhập siêu ngành thép mỗi năm 3-4 tỷ USD, tăng nội lực đất nước, bảo đảm nền công nghiệp quốc phòng vững mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam còn có nguồn tài nguyên rất phong phú như: đá vôi, đô lô mít, quặng kim loại màu để sản xuất ferro (Crôm, Ni ken, Măng gan…) là các kim loại phụ trợ cần thiết cho quá trình luyện thép.
Lợi thế thứ hai là cảng nước sâu: Để bảo đảm hiệu quả kinh tế, các nhà máy thép cán nóng trên thế giới đều được xây dựng với công suất từ 2-3 triệu tấn/năm trở lên tại các vị trí ven biển gần cảng nước sâu để giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và thành phẩm. Với lợi thế hơn 3.000 km bờ biển và hệ thống cảng nước sâu phong phú, Việt Nam có đủ điều kiện để xây dựng những Khu liên hợp luyện thép cỡ lớn, bảo đảm hiệu quả về kinh tế và an toàn về môi trường tại các khu vực tiềm năng có cảng nước sâu như Nghi Sơn, Dung Quất, Cà Ná…
Lợi thế nhân công: So với các quốc gia có nền công nghiệp thép phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người thấp. Ngành thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, do vậy giá nhân công rẻ là một lợi thế lớn.
Lợi thế về chi phí vận chuyển và bán hàng: Với mức tiêu thụ thép trên 20 triệu tấn/năm, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ thép lớn trong khu vực Đông Nam Á. Đặc trưng của sản phẩm thép có trọng lượng và kích cỡ lớn cần có hệ thống phân phối rộng khắp. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép trong thị trường nội địa với hệ thống đại lý sẵn có của các doanh nghiệp Việt Nam là một lợi thế lớn về bán hàng, chi phí thanh toán chuyển đổi ngoại tệ và vận chuyển so với thép nhập khẩu vào Việt Nam.
Mấu chốt là vận hành đúng, giám sát chặt
Sau sự cố môi trường biển miền trung, cử tri cả nước bày tỏ sự lo ngại đối với các dự án sản xuất thép, đặc biệt các dự án thép liên hợp có các lò luyện cốc, Bộ Công thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá về công nghệ và vấn đề môi trường đối với các dự án thép. Bộ Công thương khẳng định, công nghệ sản xuất thép từ quặng sắt sử dụng công nghệ lò cao – lò thổi là công nghệ chính sản xuất thép thế giới hiện nay. Bằng chứng là trên thế giới hiện có hàng trăm tổ hợp thép lớn hoạt động ở cả vùng ven biển hoặc sâu trong lục địa (trong số đó có nhiều nhà máy hoạt động cả trong các thành phố lớn, đông dân cư). Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nhà máy đều chưa xảy ra sự cố lớn về môi trường… Các quốc gia phát triển (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…) vẫn phát triển các khu liên hợp luyện cán thép quy mô lớn.
Bộ Công thương khẳng định, với trình độ khoa học, công nghệ và thiết bị luyện gang thép hiện nay, nếu tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về trong vận hành, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường đối với các dự án.
Vấn đề mấu chốt là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ các thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường.
Theo Luật Đầu tư, Luật Xây dựng hiện hành, đối với các dự án thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, Bộ chuyên ngành và các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định công nghệ, môi trường. Chủ đầu tư có trách nhiệm phải tuân thủ kết quả thẩm định. Điều này sẽ khắc phục tình trạng trước đây các Bộ chuyên ngành chỉ dừng ở mức góp ý, giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Do vậy, việc giám sát và quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ được thực hiện chặt chẽ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()